Thanh tra hay 'sờ gáy'?

Mỗi khi có thông tin công ty nào đó sắp bị thanh tra, thị trường lập tức xuất hiện 'sóng sánh' vì thông tin bất lợi kiểu như doanh nghiệp đó bị 'sờ gáy', chuẩn bị phanh phui sai phạm. Nhiều doanh nghiệp từng lao đao vì các thông tin kiểu này. Thực tế không hoàn toàn diễn ra như đồn đoán.

Bộ trưởng bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 của Thanh tra Bộ.

Theo đó, năm 2019, Thanh tra bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 của bộ Xây dựng như: Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội, tổng công ty MBLand, công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, công ty Cổ phần đầu tư LDG, công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang…

Tòa nhà Mipec Riverside quận Long Biên của công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội - Mipec nằm trong diện thanh tra định kỳ năm 2019 của bộ Xây dựng.

Đón nhận thông tin này, nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại.

Tuy nhiên, để nhìn nhận đúng bản chất sự việc, khách hàng cần tỉnh táo nhận định tính chất của từng cuộc thanh tra để không rơi vào hoang mang không cần thiết.

Theo bộ Tư pháp, trong hoạt động quản lý Nhà nước, luôn tồn tại song hành hai hình thức thanh/kiểm tra: thanh/kiểm tra theo kế hoạch, định kỳ và thanh/kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của cấp trên hoặc để phục vụ những mục đích khác như xử lý tố cáo nặc danh, phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức, xử lý thông tin báo chí nêu…

Kế hoạch thanh tra năm 2019 của bộ Xây dựng thực chất là đợt thanh tra thường niên của và được giao cho Chánh Thanh tra bộ tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan, mang tính chất định kỳ.

Đại diện một trong số những đơn vị nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 cho biết: "Kế hoạch thanh tra năm 2019 của bộ Xây dựng vừa phê duyệt là kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm, nhưng dư luận lại có cách nhìn chưa đúng về kế hoạch này. Nhiều người cho rằng doanh nghiệp này bị “sờ gáy”, doanh nghiệp kia bị “xử lý”… Những điều đó gây sự phản cảm, không đúng với bản chất của công tác thanh tra định kỳ".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group cho biết: "Việc thanh tra của bộ Xây dựng tiến hành thanh tra các dự án là hoạt động hết sức bình thường. Đây là việc thanh tra thường niên đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đối với LDG Group, các dự án nằm trong danh mục thanh tra hoàn toàn đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định và không có điều gì đáng lo ngại".

Ông Khang cũng cho biết, nhiều khách hàng không nắm rõ nên hiểu sai về thông tin này. Ngoài ra, ông cũng cho biết các hoạt động thanh tra này sẽ có lợi cho khách hàng vì sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Được biết, theo quy định Luật Thanh tra hiện hành, trước khi tiến hành thanh tra định kỳ, các cơ quan thanh tra phải lập kế hoạch thanh tra để trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trước khi lập kế hoạch thanh tra thì cơ quan tranh tra phải gửi văn bản tới các đối tượng dự kiến thanh tra và nêu rõ các dự án cần được thanh tra. Sau khi các đối tượng thanh tra gửi ý kiến về cơ quan thanh tra thì cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm tổng hợp dự kiến kế hoạch thanh tra.

Dự kiến kế hoạch thanh tra sẽ được xin ý kiến của thanh tra các Bộ, Ngành liên quan, Kiểm toán Nhà nước để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra. Và cuối cùng là Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra đối với thanh tra các bộ, ngành.

Kế hoạch thanh tra phải được công bố rộng rãi và gửi trực tiếp đến các đối tượng được thanh tra trong kế hoạch được duyệt. Nói như vậy để thấy rằng, các đối tượng thanh tra đã biết trước, đã thỏa thuận về kế hoạch thanh tra chứ không phải là "sờ gáy", "xử lý" như dư luận đã nêu.

Một số dự án bất động sản nằm trong diện thanh tra định kỳ năm 2019 của bộ Xây dựng:

TP.HCM: Các dự án Khu dân cư và dịch vụ Giang Điền, tỉnh Đồng Nai; Khu dân cư Tân Thịnh; Chung cư Marina Tower, tỉnh Bình Dương; Khu chung cư cao tầng tại 69 đường An Dương Vương, phường 16, quận 8 (West Intela); Khu cao ốc phức hợp, tại đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8 (High Intela), TP.HCM của công ty Cổ phần đầu tư LDG.

Các dự án Carillon 5, quận Tân Phú; Khu phức hợp thương mại dịch vụ nhà ở xã hội (Jamona City), quận 7; Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Jamona Golden Silk, quận 7; Khu phức hợp văn phòng thương mại dịch vụ (TTC Plaza Bình Thạnh); Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ văn phòng Jamona Heights, quận 7 (TP.HCM) của công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land).

Các dự án cao ốc SGCC - Bình Quới 1 và Bình Quới 2 và dự án Soho Premier Bình Thạnh (của tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV - SGCC)…

Hà Nội: Dự án Mipec City View ở Kiến Hưng, quận Hà Đông; Mipec Riverside quận Long Biên (của công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội - Mipec); Các dự án Square Filed (Tây Ninh), tổ hợp văn phòng, TTTM và khu căn hộ Golden Filed; Grand Plaza (của tổng công ty MBLand)…

Khánh Hòa: Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Euro Window Nha Trang (Dự án Movenpick Cam Ranh Resort) của công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang, dự án Alma Resort Cam Ranh (công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường), dự án Khu du lịch sinh thái Prime-Prime Resorts and Hotels thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm)…

Bà Rịa – Vũng Tàu: Dự án khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm (công ty TNHH Dự án Hồ Tràm)

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-tra-hay-so-gay-a417488.html