Thanh tra, kiểm tra môi trường đang chồng chéo, gây phiền hà

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện quá trình thanh kiểm tra trong lĩnh vực quản lý môi trường đang chồng chéo gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Thanh tra đột xuất không cần báo trước

Điểm mới của dự án Luật Bảo vệ môi trường trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, xem xét lần này là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo công bố trước để đảm bảo tính hiệu quả.

Cụ thể, theo điểm b, khoản 2, Điều 174 (dự thảo) nêu, thanh tra được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết.

Nhiều ý kiến lo ngại về luật môi trường hiện hành đang chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Nhiều ý kiến lo ngại về luật môi trường hiện hành đang chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ TN&MT, lý do đưa ra đề xuất trên nhằm tăng cường hiệu quả các cuộc thanh tra đột xuất, đề phòng trường hợp đối tượng bị thanh tra biết trước có hành động đối phó với công tác thanh kiểm tra.

Bộ TN&MT cho rằng, việc thanh tra đột xuất không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị bị thanh tra vì đã được quy định chặt chẽ, cụ thể. Đặc biệt, chỉ được tiến hành thanh tra đột xuất khi được Bộ trưởng Bộ TN&MT, hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ.

Cùng với đó, dự luật cũng quy định thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân hoặc không quá một lần trong hai năm liên tiếp đối với các tổ chức, cá nhân. Quy định này sẽ hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Với đề xuất này, báo cáo thẩm tra dự luật của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường (cơ quan thẩm tra dự luật), cho biết có nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh kiểm tra đột xuất.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này vì việc thanh tra đột xuất đã được quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Thanh tra.

“Trường hợp cần quy định trong dự thảo Luật thì phải xác định rõ nguyên tắc, điều kiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp”, báo cáo thẩm tra nêu.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VOV.VN, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đưa ra quan điểm, việc thanh tra đột xuất vẫn cần phải công bố cho đối tượng bị thanh tra biết trước.

“Mục đích của thanh tra là phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đối với việc thanh tra, dù là đột xuất, cũng phải theo tuân theo quy định, tránh xáo trộn, thiếu hiệu quả hoặc sai lầm đáng tiếc”, bà Thoa cho hay.

Bà Thoa cho rằng, quy định về các trường hợp về thanh tra đột xuất đã được nêu rõ tại Luật thanh tra. Trong đó có yêu cầu đối tượng bị thanh tra phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra... và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. “Do đó cần phải thông báo cho đối tượng thanh tra để họ có thời gian chuẩn bị đầy đủ các tài liệu theo quy định”, bà Thoa nhấn mạnh.

Trả lời về nhiều ý kiến cho rằng, thông báo trước có thể dẫn đến tạo cơ hội cho đối tượng bị thanh tra tẩu tán tài liệu, đối phó, bà Thoa cho rằng: “Cần lưu ý rằng thanh tra cả quá trình thực thi nhiệm vụ chứ không phải là một hoạt động cụ thể, đơn lẻ nào cả, nên khả năng này có thể có, nhưng ít”.

Cần phân định rõ thanh tra môi trường và cảnh sát môi trường

Ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, đã đến lúc cần làm rõ người chịu trách nhiệm, cần có một luật để quản lý thống nhất tránh chồng chéo nhiệm vụ, trách nhiệm.

Ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Thanh, kiểm tra môi trường phải khác với đất đai và các lĩnh vực khác, vì môi trường có biến động. Luật mới không còn cảnh thanh, kiểm tra chồng chéo gây khó khăn, mệt mỏi cho doanh nghiệp như ở một số nơi hiện nay. Dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính, hạn chế thanh, kiểm tra. Sẽ kiểm tra liên tục với những dự án vi phạm nhiều, công nghệ lạc hậu,…”, ông Trần Hồng Hà nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu quốc hội Đoàn Đồng Nai cho biết, đối tượng thanh tra đều muốn biết trước kế hoạch thanh tra để chuẩn bị tinh thần và lực lượng thậm chí tìm cách che giấu, phi tang, tẩu tán các chứng cứ để không vướng vào các lỗi.

“Nếu làm gì cũng cho biết trước thì giống như lạy ông tôi ở bụi này, rút dây động rừng. Cần có các biện pháp quyết liệt để tình trạng vi phạm môi trường sẽ bị xử lý nghiêm. Một số hoạt động thanh tra phải công bố là thanh tra theo kế hoạch, thường xuyên, hành chính,... Những hoạt động thanh tra đột xuất khi có thông báo, tố cáo là câu chuyện bình thường ở tất cả các quốc gia, các chế độ. Với những hoạt động thanh, kiểm tra này không cần báo trước và những người ký quyết định cho đến người thực hiện thanh tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, ông Nhưỡng nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu quốc hội Đoàn Đồng Nai.

Theo ông Nhưỡng, lực lượng Cảnh sát môi trường giúp phòng chống tội phạm, chứ không phải phòng chống vi phạm pháp luật. Thanh tra là nơi phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm pháp luật.

“Hai vấn đề này khác nhau, nếu lúc nào 2 đơn vị này cứ cặp kè thì doanh nghiệp không làm được. Việc thanh tra nằm trong chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan thẩm quyền chung, như Chính phủ, UBND các cấp đã được luật hóa. Toàn bộ quá trình thanh, kiểm tra, đánh giá, xem xét xử lý việc chấp hành chính sách pháp luật và quy định có liên quan đến các lĩnh vực phụ trách thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước là thanh tra. Những vấn đề trinh sát và phòng chống tội phạm về môi trường thì thuộc quyền quản lý của cảnh sát môi trường. Cần phân định rõ vấn đề này, muốn làm được thì cần có hướng dẫn cụ thể về công tác thanh tra với cảnh sát môi trường. Tiếp đến Bộ TN&MT và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp về vấn đề này để tránh chồng chéo, trùng lặp. Chúng ta nên lấy cái chung làm nền tảng, không thể “quyền anh quyền tôi” ở đây sẽ dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo ông Nhưỡng, có những trường hợp doanh nghiệp làm tốt còn muốn thanh tra vào, tuy nhiên, nếu thanh tra dày đặc sẽ gây mất thời gian, công sức, tâm lực của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh.

“Đối với doanh nghiệp được xếp hạng tốt thì chúng ta nên giảm bớt quá trình thanh, kiểm tra mà chỉ cần thông qua báo cáo, vì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước báo cáo đó. Đối với doanh nghiệp chấp hành không tốt, vi phạm liên miên, có đơn thư tố cáo nhiều thì cần thanh, kiểm tra thường xuyên, nếu cứ vi phạm chúng ta có thể đề nghị rút giấy phép, chấm dứt hoạt động theo quy định. Thời đại hiện nay, bảo vệ môi trường là bảo vệ con người. Vì vậy quy định mức độ thanh tra là rất cần thiết”, ông Nhưỡng khẳng định./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thanh-tra-kiem-tra-moi-truong-dang-chong-cheo-gay-phien-ha-1060182.vov