Thanh tra văn hóa quyết vào cuộc, họa sỹ bị 'đạo' tranh vẫn dửng dưng

Trước hàng loạt các vụ sao chép tranh trái phép bị phát giác trong thời gian vừa qua tại Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, sẽ chỉ đạo Thanh tra văn hóa vào cuộc. Thế nhưng, đáp lại sự nhiệt tình của ông giám đốc Sở VHTT Hà Nội lại là thái độ dửng dưng, thờ ơ như không của các họa sĩ có tranh bị 'ăn cắp'…

Hà Nội và TP.HCM là 2 địa bàn xảy ra các vụ vi phạm bản quyền tác phẩm mỹ thuật lớn nhất cả nước. Và tại đây cũng là nơi tập trung nhiều bức xúc nhất trong đội ngũ sáng tác mỹ thuật. Tính riêng tháng 5/2019, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã tự phát hiện ra 3 vụ xâm phạm bản quyền, họa sĩ Ngụy Đình Hà 2 vụ, họa sĩ Lâm Đức Mạnh 3 vụ.

Bên cạnh đó còn có nhiều họa sĩ khác như: Nguyễn Quý Tâm, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh, Bùi Duy Khánh, Đặng Phương Việt, Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn… Con số này có lẽ chỉ mang tính tượng trưng cho số lượng các họa sĩ bị vi phạm bản quyền. Còn thực tế, con số ấy có thể lớn hơn nhiều lần và mức độ vi phạm nặng nhẹ cũng khác nhau.

Mới đây nhất, trên địa bàn Hà Nội có thêm địa chỉ Tranh Décor (số 55 đường 12, La Phù, Hoài Đức) bị “tố” sao chép trái phép tác phẩm của họa sĩ, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định. Họa sĩ Dương Quốc Định bức xúc và đang mời luật sư vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Trước sự việc này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, đã nắm được tình hình vi phạm bản quyền tranh của nhiều họa sĩ diễn ra tràn lan trên địa bàn Hà Nội.

“Sai phạm mỹ thuật rất nhức nhối, diễn biến phức tạp. Cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ phải thực hiện các quy định về bản quyền. Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo và các bằng chứng, Thanh tra Sở sẽ vào cuộc kiểm tra từng vụ việc cụ thể” – Ông Tô Văn Động nói.

Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài ngạc nhiên vì bức tranh gốc vẫn còn trong xưởng đã bị vi phạm tác quyền

Với sự giúp sức của các luật sư tâm huyết, mẫu đơn đề nghị Thanh tra văn hóa vào cuộc đã được gửi tới các họa sĩ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất cứ họa sĩ nào “nhúc nhích”, thay vào đó là thái độ thờ ơ, bàn quan và dửng dưng đến khó hiểu. Ngay các họa sỹ lên tiếng mạnh mẽ như Bùi Trọng Dư, Ngụy Đình Hà… cũng cho biết, họ không muốn nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vụ việc.

Trong đó, họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ, 3 vụ xâm phạm bản quyền tranh vừa qua, anh đều đã giải quyết êm thấm. Chính vì thế, họa sĩ không có nhu cầu nhờ đến sự vào cuộc của thanh tra.

“Mấy vụ của tôi, bên các đơn vị vi phạm đã xin lỗi, viết bản cam kết không tái phạm. Tôi không còn lý do nào để tố cáo các công ty đó nữa. Nhưng nếu họ tái phạm, tôi sẽ không để yên”, họa sỹ Bùi Trọng Dư nói.

Còn họa sỹ Ngụy Đình Hà khẳng định, anh không có ý định nhờ đến thanh tra văn hóa trong xử lý các vụ xâm phạm bản quyền mỹ thuật. Dù mới đây, anh lại phát hiện thêm một vụ chép tranh khác. Nhưng cũng giống như lần bị công ty in vải Phương Mai “ăn cắp” tranh, anh vẫn muốn tự mình thu xếp và giải quyết ổn thỏa giữa 2 bên.

Họa sỹ Hà Hùng Dũng chia sẻ, anh vẫn lưu tâm việc bị “đạo” tranh nhưng thời gian này, anh đang bận bịu với công việc gia đình và triển lãm sắp tới nên thời gian này sẽ tạm gạt sang một bên, việc yêu cầu các bên vi phạm bản quyền sáng tác phải có nghĩa vụ bồi thường và chấm dứt hành vi xâm phạm. Do vậy, dù có nghe tới việc thanh tra Sở VHTT Hà Nội sẽ vào cuộc khẩn trương khi nhận được đơn thư tố cáo của các họa sĩ nhưng anh cũng đành… bỏ mặc.

Tranh sen của họa sĩ Đặng Phương Việt (bên trái) và tranh bị Lân Vũ Gallery sao chép (bên phải)

Có lẽ, chính thái độ e ngại của các họa sĩ nhờ tới sự giúp sức của các cơ quan chức năng trong giải quyết bản quyền đã đẩy vấn nạn này ngày một thêm trầm trọng. Sự thiếu quyết liệt, muốn dàn hòa giữa họa sĩ và bên vi phạm mới chính là lý do khiến cho các điều luật trở nên vô nghĩa trong cuộc sống. Bởi người bị vi phạm không đứng lên tố cáo, không mạnh mẽ đấu tranh thì chính họ đang tiếp tay cho thói sử dụng “của chùa” có cơ hội nở rộ.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/thanh-tra-van-hoa-quyet-vao-cuoc-hoa-sy-bi-dao-tranh-van-dung-dung/812724.antd