Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam

Sáng 18-12, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, với tên gọi 'Vì hạnh phúc của mỗi người'.

Triển lãm gồm ba phần chính thể hiện thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

NDĐT- Sáng 18-12, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, với tên gọi “Vì hạnh phúc của mỗi người”.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 300 hình ảnh, tư liệu được hội đồng thẩm định lựa chọn từ nguồn dữ liệu hơn 1.000 ảnh, tư liệu, đáp ứng ba yếu tố, gồm: tính khoa học, đại diện cho các quyền; tính nghệ thuật, thể hiện cảm xúc Hạnh phúc và Mỗi người; yếu tố kỹ thuật, bảo đảm độ phân giải, hiệu ứng.

Các hình ảnh và tư liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh, gồm các nhóm tư liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam. Cho thấy, Việt Nam tuy không phải nơi sinh ra thuật ngữ quyền con người, nhưng rất giàu truyền thống nhân văn và khái niệm nhân quyền đi liền với yêu thương con người, khoan dung, hòa ái.

Nhóm tư liệu giai đoạn Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam trước Đổi mới (1945-1986), thể hiện nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; quyền tự quyết dân tộc trong việc lựa chọn thể chế chính trị; quan điểm về quyền con người của Nhà nước Việt Nam thông qua các bản Hiến pháp, sắc lệnh tiêu biểu bảo đảm quyền con người theo các lĩnh vực như quyền tự do tôn giáo, quyền tự do báo chí, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín…

Và nhóm tư liệu sau Đổi mới đến nay, chia theo các nhóm quyền cơ bản, như quyền dân sự và chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và hợp tác quốc tế về quyền con người.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, quyền con người được tạo hóa ban cho và cũng là thành quả đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc. Lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã bền bỉ giành độc lập, giành quyền tự quyết và ngày nay đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người, mà làm hết sức mình để thực hiện quyền con người trên thực tế, thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Chính sách nhất quán này có cội rễ từ truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam hòa hiếu, nhân văn.

Điểm nhấn của triển lãm là lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng 23 tư liệu được lựa chọn từ 34.618 tấm Mộc bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, phản ánh giá trị tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam. Và sẽ tiếp tục được bổ sung, phát triển trong các lần triển lãm sau, để tăng thêm hiệu quả thông tin đối ngoại, hướng tới công chúng là người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Trong không gian triển lãm, ban tổ chức còn thực hiện hình thức chiếu phim giới thiệu chung về tư liệu, phim và clip 2D về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Triển lãm nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, trong các cấp quản lý nhà nước, doanh nghiệp và đội ngũ thực thi pháp luật; quảng bá hình ảnh Việt Nam giàu truyền thống nhân đạo, nhân văn; có trách nhiệm với người dân của mình và cộng đồng quốc tế.

Triển lãm diễn ra đến ngày 23-12, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng.

Khu vực triển lãm nhóm tư liệu cổ thu hút người xem.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/42623702-thanh-tuu-bao-dam-va-thuc-day-quyen-con-nguoi-o-viet-nam.html