Thành tựu và thách thức của EU sau 2 thập kỉ từ 'vụ nổ Big Bang'

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Cách đây tròn 20 năm, đầu tháng 5/2004, EU đã tiến hành đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử liên minh kể từ khi thành lập với việc kết nạp đồng thời 10 thành viên mới là Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia, đưa EU từ một khối 15 thành viên lên 25 thành viên, tăng thêm 20% dân số và lãnh thổ, trở thành một thực thể chính trị, kinh tế và văn hóa rộng lớn hàng đầu thế giới.

Liên minh châu Âu tổ chức lễ thượng cờ 10 quốc gia kết nạp năm 2004 vào ngày 3/5/2004 tại trụ sở liên minh.

Ngoại trừ hai quốc đảo trên Địa Trung Hải là Cyprus và Malta, các nước còn lại trong đợt mở rộng được ví như “vụ nổ Big Bang” đó là các quốc gia Đông Âu, trong đó 3 nước từng thuộc Liên Xô trước đây. Cảm hứng của “vụ nổ Big Bang” đã dẫn đến việc Bulgaria, Romania và Croatia lần lượt gia nhập EU sau đó vài năm. Trải qua hai thập kỉ kể từ thời khắc lịch sử, EU hiện nay có 27 quốc gia thành viên, do Anh rời đi sau cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016.

Hãng tin DW của Đức ngày 2/5 cho hay, khi EU kết nạp 10 thành viên mới vào năm 2004, tổng GDP của khối tăng khoảng 9%, nhưng GDP bình quân đầu người trong EU giảm do chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia thành viên cũ – mới.

Tuy nhiên, nhờ mức độ hội nhập cao về kinh tế và xã hội, khối EU nhanh chóng thúc đẩy thị trường chung phát triển, kéo theo sự tăng trưởng và thịnh vượng cho toàn khối. Trong 20 năm qua, cơ sở hạ tầng và kết nối hiện đại quy mô lục địa đã được xây dựng trên khắp 27 quốc gia thành viên nhờ các khoản đầu tư và quỹ của EU. Cũng trong quãng thời gian ấy, hơn 2,7 triệu người từ 10 quốc gia đã đón nhận cơ hội học tập và giảng dạy ở nước ngoài thông qua chương trình Erasmus. Ngoài ra, 9/10 quốc gia thành viên mới nêu trên, trừ Cyprus, đã gia nhập Schengen - khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới.

Bất chấp thách thức từ những đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế EU tăng trưởng 27%. Các quốc gia gia nhập năm 2004 chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, trong đó, nền kinh tế Ba Lan và Malta tăng gấp đôi quy mô, còn Slovakia tăng trưởng 80%. Tiền lương thực tế từ 2004-2023 ở 10 nước này tăng 2 lần và mức độ nghèo đói đã giảm một nửa.

Đến nay, 7 trong số 10 thành viên mới sử dụng đồng euro làm tiền tệ chính thức. Trong số 26 triệu việc làm mới được tạo ra ở EU 20 năm qua, 6 triệu việc là ở 10 quốc gia thành viên mới. Việc kết nạp các quốc gia mới cũng tạo thêm nhiều cơ hội và thịnh vượng cho các quốc gia thành viên cũ. Xuất khẩu của Tây Ban Nha sang 10 nước này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Thương mại hàng hóa của Italy với các nước này đã tăng 77% kể từ đó. Liên kết thương mại giữa Litva và Thụy Điển cũng tăng đáng kể. Trong vòng chưa đầy hai thập niên, dòng hàng hóa nội địa trong EU tăng gấp rưỡi.

Sự xuất hiện của các thành viên mới đã tăng cường đáng kể vai trò của EU trong các vấn đề khu vực và thế giới. Thông qua cách thức phản ứng tương đối thống nhất giữa các thành viên, EU đã thể hiện được vai trò trong nỗ lực tăng cường an ninh và phòng thủ của châu Âu, tăng cường hợp tác với NATO, hay như mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á và châu Phi.

The Guardian cho hay, EU hiện chiếm một nửa tổng số viện trợ toàn cầu, còn Ủy ban châu Âu (EC) là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Khối cũng có những đóng góp không thể phủ nhận trong nỗ lực giảm phát thải và bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Trong lĩnh vực an ninh, các quốc gia thành viên đã hợp tác hiệu quả hơn để trấn áp tội phạm xuyên biên giới như buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm trực tuyến nhờ các quy tắc chung, hợp tác hoạt động và sự hỗ trợ của EU.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng hợp tác, sau hai thập kỉ kể từ “vụ nổ Big Bang”, EU ngày nay đối mặt ngày càng nhiều thách thức hơn đến từ bối cảnh địa chính trị thay đổi và sự chênh lệch về kinh tế, trình độ phát triển giữa các thành viên cũ-mới. Trong nội bộ EU, chủ nghĩa dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia thành viên, không chỉ đe dọa các giá trị cốt lõi của khối mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết.

Trong những năm gần đây, phong trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy tại nhiều quốc gia châu Âu đã dẫn đến các chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu, dẫn đến nhiều chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước. Một bộ phận không nhỏ người dân EU có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền tự quyết của mỗi quốc gia thành viên. Giới quan sát tin rằng, nếu EU không sớm giải quyết những vấn đề nêu trên, nguy cơ xảy ra tình trạng các quốc gia thành viên EU rời đi như hành động của Anh (Brexit) có thể lặp lại trong tương lai. Bên cạnh đó, việc EU theo đuổi mục tiêu kết nạp các thành viên mới như Ukraine có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga và khoét sâu chia rẽ trong nội bộ liên minh.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/thanh-tuu-va-thach-thuc-cua-eu-sau-2-thap-ki-tu-vu-no-big-bang-i730045/