Thành viên HTX vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế rừng

Xác định kinh tế rừng là một trong những hướng đi giúp các thành viên, người lao động HTX xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã tận dụng nhiều chính sách, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển lâm nghiệp. Từ đó, tạo động lực giúp các HTX mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững và làm giàu từ rừng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho biết, Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển lâm nghiệp, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Việc trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, để tạo sinh kế giúp họ vươn lên thoát nghèo. Trong đó, vai trò của các HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn từ việc trồng rừng đến bao tiêu sản phẩm, nhất là ở các huyện miền núi, huyện nghèo.

Phát triển sản xuất

“Trồng rừng bền vững đang là một xu thế tất yếu, việc nhiều HTX ở Quảng Nam chủ động liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức... triển khai trồng rừng gỗ lớn và phát triển diện tích trồng rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những giúp thay đổi cuộc sống của nguời dân nơi đây mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng”, ông Tích cho hay.

Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững và làm giàu từ rừng.

Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững và làm giàu từ rừng.

Tiên phong trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với rừng gỗ lớn, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức) đã gặt hái những “quả ngọt” sau một thời gian hoạt động.

Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận chia sẻ, qua quá trình hoạt động, HTX đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Từ 5 lao động ban đầu, đến nay, HTX đang giải quyết việc làm cho 22 lao động. Bên cạnh đó, HTX dần trở thành “bà đỡ” cho nông dân trồng keo tại địa phương và các xã lân cận như Hiệp Hòa, Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia…

Bên cạnh thu mua gỗ của người dân, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận còn đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung cấp dịch vụ giống cây trồng, quản lý chăm sóc rừng trồng, khai thác, vận chuyển gỗ, ký kết với 3 công ty chế biến gỗ rừng trồng với khối lượng từ 3.000 - 5.000 khối gỗ xẻ/năm, ký kết với 1 công ty bao tiêu phế phẩm phụ từ xẻ gỗ.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, HTX đã cung cấp khoảng 1,1 triệu cây giống cho nông dân. HTX cũng lập hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị sản xuất đối với 200 hộ trồng rừng đã tham gia chứng chỉ quản lý rừng FSC.

“Mặc dù bước đầu hết sức khó khăn, kinh phí hạn hẹp, con người mới mẻ, nhưng qua 5 năm hoạt động từ năm 2017 đến nay, kết quả mang lại rất khả quan. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng HTX thu nhập khoảng 100 triệu đồng. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 thành viên HTX và 22 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 6 - 8 triệu đồng/người, trong đó có nhiều lao động trước đây là hộ nghèo của xã, nay đã ổn định cuộc sống”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, để vươn lên làm giàu từ rừng thì sản xuất cây giống được xác định là một trong những thế mạnh của HTX, cây giống sẽ giúp HTX chủ động về số lượng, chất lượng và tiến độ trồng rừng.

Đây là nguồn thu trong những năm tới của HTX, có tỷ trọng doanh thu đáng kể, hỗ trợ thực hiện kinh doanh rừng bền vững, kéo dài chu kỳ trồng rừng, kinh doanh gỗ lớn. Do đó, HTX sẽ tiếp tục đầu tư vườn ươm sản xuất cây giống và cung cấp cho thị trường.

Mong muốn làm giàu từ đất rừng quê hương

Trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện miền núi Bắc Trà My có dấu ấn của HTX nông lâm nghiệp Trường Lộc, xã Trà Đông.

Ông Huỳnh Văn Trường, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, xã vùng cao 135 Trà Đông còn nhiều khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu nhờ sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác rừng tự nhiên. Vì vậy, những cánh rừng tự nhiên ở địa phương bị tàn phá.

Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng cho các HTX giúp cho người dân có sinh kế lâu dài, ổn định cuộc sống.

Trước cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tác động xấu đến thiên nhiên và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở vì mưa lũ, năm 2019, HTX được giao quản lý và phát triển rừng cộng đồng.

Hiện nay, HTX được các cấp chính quyền giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích hơn 56 ha rừng và đất rừng. Việc giao đất, giao rừng, thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã tác động tích cực đến ý thức của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.

Giám đốc Huỳnh Văn Trường cho rằng, việc được giao đất giao rừng đã đem lại nguồn thu nhập nên người dân, cộng đồng sống gần rừng rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên diện tích được giao.

Những năm gần đây, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý là một hình thức thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ rừng.

“Đời sống của người dân cũng nhờ đó được cải thiện, nhận thức bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia. Người dân bảo vệ rừng và được hưởng lợi ích từ chi trả các dịch vụ môi trường rừng, từ đó một chuỗi các giá trị lợi ích sẽ được mang lại từ việc giao rừng cho cộng đồng quản lý thông qua dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng này”, ông Trường cho hay.

Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng cho các HTX giúp cho người dân có sinh kế lâu dài. Mặt khác, người dân quản lý rừng ngay tại nơi mình cư trú nên rất dễ phát hiện lâm tặc để cùng với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn tạo thành 3 lực lượng bảo vệ rừng hiệu quả.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh đã và đang tạo điều kiện giúp người trồng rừng tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn để trồng rừng theo hướng FSC với hiệu quả cao hơn. Việc phát triển trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần tạo sinh kế cho người dân miền núi vươn lên thoát nghèo, hạn chế phá rừng, thúc đẩy kinh tế tỉnh Quảng Nam phát triển.

“Nhờ chủ trương khuyến khích và hỗ trợ của tỉnh, hàng chục HTX trồng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới”, đại diện UBND tỉnh đánh giá.

Hoàng Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thanh-vien-htx-vuon-len-lam-giau-tu-phat-trien-kinh-te-rung-1087569.html