Thảo 'bao đồng' thích sẻ chia

Nhiều năm qua, căn nhà trọ khiêm tốn của Thảo 'bao đồng' là nơi không còn xa lạ với mọi người trong khu phố.

Nhiều năm qua, người dân ở con hẻm 687 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM có lẽ không còn xa lạ với hình ảnh một phụ nữ luôn vui vẻ, có sở thích “bao đồng”, sẻ chia với những người nghèo khó. Thậm chí, chị còn tìm cách giúp đỡ những người xa lạ, nghèo khó bị lỡ đường.

Địa chỉ quen thuộc của bà con nghèo

Người phụ nữ tốt bụng đó là chị Đặng Thanh Thảo, 43 tuổi. Hiện chị thuê một căn nhà trọ rộng chừng 30 m2 với số tiền hơn 5 triệu đồng để cắt tóc, làm móng cho chị em phụ nữ. Hoàn cảnh không dư dả là mấy nhưng nhà trọ của chị là địa chỉ thường xuyên lui tới nhận quà của bà con nghèo trong con hẻm. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người đặt cho chị một biệt danh dễ thương là Thảo “bao đồng”.

Thảo “bao đồng” đang cắt tóc miễn phí cho người nghèo. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Thảo “bao đồng” đang cắt tóc miễn phí cho người nghèo. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Chị Thảo cho biết mỗi năm chị thường dành 3-4 đợt, đặc biệt là dịp gần tết Nguyên đán để mua hàng trăm ký gạo thơm ngon, chất lượng giúp đỡ, trao tận tay cho bà con trong hẻm phố. Ngoài phần gạo giúp đỡ định kỳ, chị Thảo còn bỏ tiền túi mua những phần quà là nhu yếu phẩm như nước tương, bột ngọt, dầu ăn… thường xuyên trao cho bà con.

“Một khi làm việc thiện thì mình phải làm bằng cả trái tim. Gạo để cho bà con nghèo phải là gạo thơm ngon, chất lượng chứ mình không thể mua những loại gạo rẻ tiền, bà con mang về ăn không được thì mang tội lắm” - chị Thảo “bao đồng” tâm niệm.

“Tiếp tế” lương thực giữa dịch bệnh

Còn nhớ năm 2021, dịch COVID-19 kéo dài, nhiều con hẻm trong TP “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, khu phố nơi chị sinh sống cũng không ngoại lệ. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh thiếu thốn lương thực, chị Thảo không nề hà gian khó, chạy đôn chạy đáo quyên góp gạo, nhu yếu phẩm, rau xanh... để mang về tiếp sức cho bà con.

Chị Nguyễn Thị Linh (một người nghèo sinh sống ở khu hẻm) cho biết trong khoảng thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của chị Thảo, chị và gia đình không biết xoay xở ra sao. Chị kể lúc đó cả gia đình đều mắc bệnh, cả khu phố đều bị giăng dây. Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, chị Thảo đã mang gạo, rau củ quả đến “tiếp tế” cho gia đình chị.

Chị Linh cười bảo: “Giờ nhắc lại, thấy chị Thảo gan thiệt bởi lúc đó là đợt dịch bùng phát lên đến đỉnh điểm, số người nhiễm bệnh và số ca tử vong tăng cao. Khi biết nhà tôi bị nhiễm bệnh, hầu như mọi người không ai dám đến gần nhà, vậy mà chị Thảo đã dám cả gan đương đầu với dịch bệnh, mang nhu yếu phẩm đến đặt trước cửa nhà tôi thường xuyên...”.

Thảo “bao đồng” trao gạo ngon cho bà Nguyễn Thị Nguyệt. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Đâu chỉ giúp đỡ bà con nghèo trong khu phố, chị Thảo còn làm nhiều việc “bao đồng” khác, khi thấy ai “lỡ đường” dáng vẻ nghèo khó, tiều tụy là chị lại đưa họ vào nhà nghỉ ngơi, trao cho họ chai nước mát lạnh rồi dúi vào tay họ chút ít tiền để làm lộ phí đi đường. Khi nhìn thấy trẻ nhỏ hay người già trong hẻm phố tóc tai dài, suy nghĩ có lẽ họ chưa có tiền hớt tóc, chị Thảo lại tìm cách “lôi” họ vào tiệm của mình cho bằng được để cắt tóc miễn phí.

Nhìn xuống còn nhiều người khổ hơn

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (67 tuổi, quê Cần Thơ, đang thuê trọ ở con hẻm) “rưng rưng” khi nói về chị Thảo “bao đồng”: “Cái Thảo vừa đẹp người lại tốt tính, tốt bụng không chỉ với tôi mà với những người nghèo trong khu phố hay ai nghèo khó mà Thảo bắt gặp”. Bà Nguyệt chia sẻ chị Thảo thường xuyên giúp đỡ bà mấy năm nay, nhất là vào những dịp lễ, tết.

Hiếm có người như Thảo lắm. Mặc dù đang thuê nhà để làm nghề, hoàn cảnh cũng chưa khá giả gì mấy, thế nhưng Thảo hay giúp đỡ, sẻ chia với nhiều người nghèo. Tấm lòng của Thảo thật đáng trân quý, là gương điển hình cần được nhân rộng.

NGUYỄN THỊ CHÚC, tổ trưởng tổ dân phố tổ 83, khu phố 5, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM

“Tôi hay ốm đau, Thảo thường hay sang phòng trọ rồi dúi vào tay tôi chút ít tiền bảo để dành mua thuốc uống. Tết vừa rồi tôi bị đứt gân tay, Thảo biết chuyện mang sang hơn 2 triệu đồng để tôi mua thuốc. Thảo còn hớt tóc miễn phí cho tôi nữa. Tôi cũng như bà con nghèo biết ơn và quý tấm lòng của Thảo lắm” - bà Nguyệt kể.

Có người nói chị làm công việc “bao đồng” bởi hoàn cảnh của chị cũng còn khó khăn, chưa khá giả gì nhưng chị Thảo đều bỏ ngoài tai.

Chị tâm sự: “Nhìn lên thì mình không bằng ai, thậm chí là còn khó khăn nhưng nhìn xuống thì còn có rất nhiều người khổ hơn mình gấp trăm, gấp ngàn lần. Giúp được gì cho bà con nghèo trong hẻm phố hoặc chút ít tiền bạc, chai nước cho người nghèo, người “lỡ đường” cũng là niềm hạnh phúc của tôi”.

Chị Thảo chia sẻ sẽ tiếp tục con đường thiện nguyện, “chuyện bao đồng” mà mình đã chọn. Chị chỉ ao ước công việc làm đẹp được thuận lợi, có nhiều khách hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa là chị sẽ có nhiều điều kiện hơn để có thể san sẻ, giúp đỡ nhiều người nghèo hơn.

Gieo mầm thiện nguyện cho con

Điều đặc biệt là khi san sẻ, giúp đỡ bà con nghèo trong hẻm phố, lúc nào chị Thảo cũng đều cho con gái nhỏ của mình là bé Hứa Hân Hân (bảy tuổi, học lớp 1) cùng mẹ phụ trao quà. Bởi theo chị Thảo, cho con phụ công việc thiện nguyện cũng là cách để ươm mầm thiện cho con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ. Chị mong con lớn lên cũng biết quan tâm giúp đỡ, sẻ chia với những người còn nghèo khó hơn mình.

NGUYỄN ĐƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/thao-bao-dong-thich-se-chia-post719545.html