Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ

Doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt nhiều khó khăn khi việc xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực bị giảm, làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2022.

Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có 5 thị trường chủ lực nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong đó, các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trưởng nhập khẩu gỗ Việt Nam, chỉ có thị trường Mỹ giảm nhập khẩu nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất, khiến cho kết quả xuất khẩu toàn ngành bị ảnh hưởng. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5 % so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1,3 % so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh minh họa.

Hiện, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh minh họa.

Trong 45 doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Mỹ được khảo sát cho thấy có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ là 11%.

Xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 726 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 549 triệu USD, giảm 2%. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 999 triệu USD, tăng 20,4%; lâm sản ngoài gỗ 36 triệu USD, giảm 2%.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,161 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 1,15 tỷ USD, tăng 22,9%; lâm sản ngoài gỗ 15 triệu USD tăng 164,2%. Còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 623 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 604 triệu USD, tăng 13,1%; lâm sản ngoài gỗ 19 triệu USD, tăng 7,9%.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ. Do đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm.

Ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối châu Âu cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo người tiêu dùng châu Âu sẽ thắt chặt chi tiêu, điều này sẽ tác động lớn đến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam sang thị trường này.

Bên cạnh đó, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trend cũng chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào, những vấn đề này làm cho 71,2% doanh nghiệp có xu hướng sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu…

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp phải, ông Đỗ Xuân Lập đưa ra đề xuất mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giữ mức tín dụng cho doanh nghiệp ngành gỗ để giúp doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn; giãn tiền thuê đất; giãn nộp các tiền phí. Các khoản giãn và khoanh nợ này sẽ không tính lãi. Đây là những giải pháp trọng tâm lúc này để duy trì cho ngành gỗ và duy trì dòng tiền của các doanh nghiệp...

Mai Phương

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-nganh-go-tu-nay-den-cuoi-nam-d203191.html