Tháo gỡ khó khăn cho quy hoạch băng tần 5G

Mạng 5G là hạ tầng quan trọng đối với xây dựng xã hội số, kinh tế số. Việt Nam chủ trương đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng 5G. Để làm được điều đó, sẵn sàng băng tần phù hợp là yếu tố tiên quyết trong phát triển di động băng rộng 5G. Tuy nhiên, quy hoạch băng tần tại nước ta đang gặp một số khó khăn, như: Băng tần cao hạn chế về vùng phủ, băng tần trung bình đang được sử dụng cho vệ tinh. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hiện đang vào cuộc tháo gỡ những khó khăn này.

Băng tần trung bình có vai trò quan trọng trong triển khai 5G

Bộ TT&TT đã lên kế hoạch thử nghiệm 5G trong năm 2019, quy hoạch tần số trong năm 2019-2020 và cấp phép thương mại 5G vào năm 2020. Tính đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và tới đây là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam: Việc phát triển 5G ngoài vấn đề cần công nghệ mới còn đòi hỏi một băng thông lớn, tức là phải có đủ tần số để phát triển 5G trên tất cả ứng dụng.

Băng tần thấp, băng tần trung bình và băng tần cao đều rất cần thiết cho sự phát triển 5G. Với khả năng truyền sóng tốt, các băng tần thấp (dưới 2GHz) cần thiết cho khu vực nông thôn. Các băng tần rất cao (trên 24GHz) cung cấp dịch vụ internet có tốc độ siêu cao. Tuy nhiên, do vùng phủ sóng của băng tần này rất hạn chế nên thường được xem xét cho các vùng phủ sóng nội bộ, trong tòa nhà hay các điểm nóng như sân vận động... Trong khi đó, băng tần trung bình là cầu nối giữa phạm vi phủ sóng rộng và dịch vụ dung lượng cao. Trên thế giới và tại Việt Nam đều đang tập trung nghiên cứu việc sử dụng băng tần trung bình 2,6GHz và 3,5GHz cho phát triển mạng 5G.

Chia sẻ về tình hình triển khai mạng 5G trên thế giới, ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết: “Trên thế giới đã có hơn 300 nhà mạng thử nghiệm 5G, phần lớn các nhà mạng sử dụng băng tần C (từ 4GHz đến 8Ghz) để thử nghiệm (115 nhà mạng) và băng 26GHz, 28GHz (91 nhà mạng thử nghiệm). 13 nhà mạng ở 7 quốc gia đã thương mại hóa 5G, trong đó có 8 nhà mạng sử dụng băng tần 3,5GHz và 5 nhà mạng sử dụng băng 28GHz. Tần số trung bình có vai trò quan trọng đối với tất cả nhà mạng trong giai đoạn đầu triển khai 5G”.

Viettel xây dựng hạ tầng triển khai mạng 5G. Ảnh: MẠNH HƯNG.

Tuy nhiên, tại Việt Nam và các nước ASEAN, việc sử dụng băng tần 3,5GHz đang gặp phải khó khăn lớn bởi băng tần này hiện đang được các nước gần xích đạo sử dụng cho thông tin vệ tinh. Đối với những nơi có lượng mưa lớn, việc sử dụng thông tin vệ tinh ở băng tần 3,5GHz là cực kỳ quan trọng. Do đó, muốn sử dụng băng tần này cần tính đến kết quả nghiên cứu và đo thực tế mức độ ảnh hưởng từ 5G đến các đài trái đất thông tin vệ tinh. Hiện nay, vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam đang dùng băng tần 3,5GHz để cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cân nhắc băng tần tiềm năng khác thay thế

Trước thực tế đó, ông Bùi Hà Long, Phó trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện) cho biết: “Hiện nay, Cục Tần số vô tuyến điện đang tích cực làm việc với nhà khai thác vệ tinh của Việt Nam là VNPT để đưa ra phương án sao cho vừa có băng tần sử dụng cho 5G, vừa bảo đảm vệ tinh hoạt động không bị nhiễu tín hiệu. Về giải pháp trước mắt, có thể thời gian đầu 5G sẽ không triển khai tại các khu vực vùng núi, hải đảo, trên biển. Đối với khu vực này, băng tần 3,5GHz ưu tiên sử dụng cho hoạt động vệ tinh bởi vệ tinh có ưu điểm kết nối tốt trong khi nhà mạng viễn thông khó có thể triển khai hạ tầng tại những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đối với khu vực thành thị, băng tần 3,5Ghz sẽ được dành một phần để triển khai 5G. Trong trường hợp không thể khai thác băng tần 3,5GHz, Cục Tần số vô tuyến điện xem xét sử dụng băng tần khác thay thế, ví như băng tần 2,6GHz. Đây là băng tần có nhiều ưu điểm như băng thông lớn, nhưng tại Việt Nam, băng tần 2,6GHz đang rất cần thiết cho các nhà mạng triển khai 4G. Do đó, Việt Nam đang cân nhắc các phương án quy hoạch sao cho trong tương lai khi nhà mạng muốn khai thác băng tần này từ 4G lên 5G có thể tiến hành chuyển đổi dễ dàng và thành công”.

Bên cạnh đó, băng tần 2,3GHz và 4,9GHz cũng là những băng tần tiềm năng cho 5G. Tuy nhiên, Việt Nam muốn khai thác các băng tần này cần nghiên cứu thêm độ sẵn sàng của thiết bị bởi số lượng thiết bị dành cho các băng tần này còn ít, dẫn đến chi phí đầu tư lớn. Để khắc phục khó khăn trên, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện thông tin, Việt Nam đang chủ động kêu gọi một số nước trong khu vực ASEAN và có thể thêm quốc gia khác để cùng nhau phối hợp phát triển băng tần 4,9GHz, từ đó giúp giá thành thiết bị giảm xuống...

Với mong muốn hạ tầng mạng 5G phát triển nhanh và tốc độ kết nối tốt, các chuyên gia viễn thông đề xuất, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G. Bởi nếu doanh nghiệp phải đầu tư quá lớn cho việc đấu giá băng tần, trả chi phí cao cho băng tần có thể dẫn đến trường hợp doanh nghiệp không đủ nguồn lực để triển khai mạng lưới, từ đó chất lượng cung cấp dịch vụ không được như kỳ vọng.

TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-go-kho-khan-cho-quy-hoach-bang-tan-5g-591169