Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ

Ngày 9/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thành ủy - UBND TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện. Từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc

Tại TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và các chuyên gia, nhà khoa học…

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước và khu vực.

Các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ đóng góp GRDP chiếm 35% của cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách của nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần và tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần của cả nước. Dẫn chứng những số liệu thống kê này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đóng góp lớn và tầm quan trọng của vùng Đông Nam bộ.

Thủ tướng hỏi thăm các đại biểu dự hội nghi

Theo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 53 và Kết luận 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu trên các lĩnh vực góp phần quan trọng cho sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước. Đồng thời là cầu nối hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000 và 15 năm đổi mới, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được một số thành tựu đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vùng vẫn còn một số yếu kém. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thúc đẩy vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 53 ngày 29/8/2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu “Huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục – đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực".

Kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 53 cho thấy, Vùng đã đạt được những bước phát triển quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, quá trình phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 27 ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53 để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo chuyển biến rõ rệt về chất, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả các ngành kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của cả nước. Chủ động khai thác cơ hội, phát huy tối đa lợi thế và hạn chế các mặt bất lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng trong quá trình phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 53 và Kết luận 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu trên các lĩnh vực góp phần quan trọng cho sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng – Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, mục đích của Hội nghị là để thảo luận, lắng nghe ý kiến tham luận của các Bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học về các kết quả đạt được; các tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của các tồn tại hạn chế khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27 để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án tham khảo và có các đánh giá toàn diện hơn nhằm tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận bám sát nội dung Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị. Theo đó, phân tích đánh giá được kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, chỉ ra các nút thắt, điểm nghẽn cho vùng Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, xác định các nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề nghị hội nghị tập trung phân tích vùng Đông Nam bộ đã vận dụng những sáng tạo nào để phát triển. Cùng với đó, phân tích bối cảnh tình hình trên thế giới, khu vực và cả trong nước hiện nay; đặc biệt là những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng. Hội nghị đánh giá đúng và trúng, trên cơ sở đó, tạo ra những đột phá, tầm nhìn chiến lược cho vùng. Đồng thời đưa ra mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thao-go-kho-khan-de-thuc-day-phat-trien-vung-dong-nam-bo-i659822/