Tháo gỡ những điểm nghẽn để Ninh Thuận sớm hình thành Trung tâm năng lượng của quốc gia

Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Gần đây nhiều dự án về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đã hình thành và địa phương đang từng bước xây dựng Trung tâm năng lượng quốc gia trong nay mai.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – đánh giá, so với cả nước, Bình Thuận là một trong những địa phương có cường độ bức xạ cao, nên có nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời. Vì vậy, tỉnh đã sớm triển khai chủ trương của Chính phủ, kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó có Dự án Điện mặt trời Vĩnh Tân 2.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương theo chủ trương của Chính phủ “Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chính sách để thu hút đầu tư, nhờ đó nhiều dự án về năng lượng tái tạo đã hình thành và đưa vào sử dụng.

Theo ông Hai, Bình Thuận hiện có 26 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 1.300 MWp. Dự kiến đến ngày 30/6, toàn bộ các dự án sẽ đưa vào vận hành. "Các dự án năng lượng mặt trời đưa vào vận hành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương", ông Hai chia sẻ

Ông Đạo Văn Rớt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, tiềm năng và hiện trạng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời của tỉnh Ninh Thuận là rất lớn. Theo các quy hoạch điện gió, điện mặt trời được lập thì quy mô công suất phát triển đến năm 2030 có thể lên đến hơn 11.000 MW. Ninh Thuận còn có dự án thủy điện tích năng Bác Ái đầu tiên đã và đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng quy mô công suất 1.200 MW; Tỉnh cũng đang lập và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt vào quy hoạch điện lực Quốc gia Trung tâm điện khí Cà Ná với quy mô công suất 6.000 MW và có dự phòng 1.500 MW. Như vây, Ninh Thuận có thể phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch lên đến hơn 18.000MW.

Toàn cảnh Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 vừa mới đưa vào phát điện thương mại

Toàn cảnh Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 vừa mới đưa vào phát điện thương mại

Cụ thể về điện gió: Ninh Thuận có 5 khu vực được quy hoạch, với tổng công suất dự kiến 1.429 MW; đang lập quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Trong đó có định hướng quy hoạch phát triển điện gió trên biển đến năm 2030 với tổng quy mô công suất từ 490-1.148 MW và đến năm 2045 với tổng quy mô công suất từ 1.145-2.681MW.

Theo ông Rớt, Ninh Thuận hiện đã có 19 dự án đầu tư với quy mô công suất 1.162,51 MW; trong đó đã cấp phép đầu tư 14 dự án với tổng quy mô công suất 749,53 MW; đến nay 5 dự án đã khởi công và 3 dự án trong số này đã vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 117 MW.

Theo quy hoạch điện mặt trời được định hướng phát triển đến năm 2030, tổng quy mô công suất đạt tới khoảng 8.442 MW. Hiện tại Ninh Thuận đã 54 dự án với tổng công suất khoảng 3.514 MW; trong đó 30 dự án điện mặt trời đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất khoảng 1.967 MW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp phép cho 31 dự án với tổng công suất 1.817 MW, tổng vốn đăng ký hơn 50.000 tỷ đồng.

Trung tâm vận hành Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2

Tuy nhiên, để lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sớm phát huy hiệu quả, giải pháp trước mắt của tỉnh đã triển khai thực hiện trong thời gian qua là kiến nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư một số công trình truyền tải 500kV, 220kV trước năm 2020 và chỉ đạo Tập đoàn EVN bố trí vốn để đẩy nhanh thi công, hoàn thành các dự án truyền tải trước năm 2020 nhằm tạo điều kiện thuận lợi giải tỏa công suất 2000 MW các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đưa vào vận hành để hưởng cơ chế chính sách giá điện theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp EVN không cân đối nguồn vốn đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải, tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ trương nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo kết hợp đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất điện năng lượng; sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục bàn giao cho EVN quản lý, vận hành.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-go-nhung-diem-nghen-de-ninh-thuan-som-hinh-thanh-trung-tam-nang-luong-cua-quoc-gia-121668.html