Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nước sạch

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nguồn, nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch. Qua đó, số lượng người dân dùng nước sạch tăng nhanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án cung cấp nước sạch chậm triển khai cần nhiều nỗ lực giải quyết.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Trưởng Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND TP) Nguyễn Nguyên Quân cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội đang triển khai 11 dự án cấp nước nhưng có 6 dự án đang chậm trễ. Trong đó, dự án xây Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư.

Năm 2013, dự án đã hoàn thành nhà máy nhưng đến năm 2016 lại tạm dừng. Thành phố đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Đông tiếp nhận để đến năm 2019 cấp nước sạch cho các xã của Mỹ Đức. Nhưng đến nay, đã 6 năm kể từ khi hoàn thành nhà máy, dự án vẫn dang dở, một số hạng mục xuống cấp.

Nhà máy nước sạch sông Đuống là một trong số ít dự án triển khai đúng tiến độ.

Nhà máy nước sạch sông Đuống là một trong số ít dự án triển khai đúng tiến độ.

Dự án tại xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, nên dự án chưa thể triển khai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hơn 400 hộ dân không đồng thuận lấy đất lòng hồ vì có 40ha diện tích nước hồ phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, cũng đã có đề xuất không thu hồi diện tích hồ, địa phương sẽ làm chủ đầu tư nạo vét, xây kè tạo cảnh quan, giữ nước tưới tiêu cho người dân và một phần cho chủ đầu tư.

Cùng cảnh ngộ, dự án xây hệ thống cấp nước sạch 8 xã thuộc Chương Mỹ và lân cận do Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ 2013, dự kiến 2017 hoàn thành, nhưng hiện chưa có mặt bằng xây bể chứa, mới có mạng phân phối ở 1/8 xã...

Bên cạnh nhiều dự án nhà máy nước chậm tiến độ, thành phố đang triển khai 12/28 dự án phát triển mạng cấp nước, song có nhiều dự án chậm hoặc có nguy cơ chậm tiến độ hoàn thành, trong đó có 2 dự án chưa triển khai.

Một trạm cấp nước ở xã Tả Thanh Oai có dấu hiệu xuống cấp. (Ảnh: Lê Thắm)

Đáng chú ý, trong số 119 trạm cấp nước nông thôn đầu tư xây dựng ở các giai đoạn trước đây, hiện có 32 trạm dừng hoạt động hoặc đầu tư dở dang, việc thanh lý còn chậm gặp nhiều vướng mắc, 87 trạm đang hoạt động nhưng việc chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng nước chậm, gặp khó khăn, chất lượng nước một số trạm có quy mô nhỏ chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thời gian vừa qua, Thủ đô Hà Nội chứng kiến sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội và kéo theo đó là tốc độ đô thị hóa, dẫn đến nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, thực trạng hệ thống cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn Hà Nội cũng thay đổi theo hướng không như dự báo trước đây, dẫn đến một số khu vực thiếu nước do nhu cầu tăng nhanh hơn so với năng lực phục vụ của các công trình cấp nước. Dự báo nhu cầu thay đổi, do đó rất cần thiết phải tính toán lại nhu cầu dùng nước và điểu chỉnh các phương án cấp nước.

Với nhiều biện pháp, thành phố Hà Nội đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, điều chỉnh chất lượng nước đưa về một chỉ tiêu là nước sạch đô thị. Tuy nhiên, để có thể đạt và vượt chỉ tiêu đến năm 2020 có 100% hộ dân được sử dụng nước sạch vẫn còn là chặng đường dài.

Người dân Hà Nội đi lấy nước sạch miễn phí trong thời điểm nước sạch sông Đà nhiễm dầu.

Nhằm đốc thúc hơn nữa về công tác này, HĐND TP Hà Nội đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố (UBND TP) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với các giải pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu cung cấp nước sạch theo đúng mục tiêu đề ra.

Trong đó, UBND TP cần rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách để có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khăn vướng mắc, như quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, điều kiện được hưởng cơ chế hỗ trợ, quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng thẩm quyền, thống nhất với các cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố và dễ dàng tiếp cận với các nhà đầu tư...

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đang triển khai dự án nguồn, dự án mạng chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi dự án, chuyển nhà đầu tư đối với các trường hợp không triển khai dự án hoặc năng lực không đảm bảo nhằm hoàn thành các dự án đúng tiến độ theo kế hoạch.

Các quận, huyện, ngành cũng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác tài nguyên nước trái phép theo quy định, cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án theo đúng tiến độ được duyệt, đồng thời, đảm bảo chất lượng cấp nước theo quy định.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thao-go-vuong-mac-cho-cac-du-an-nuoc-sach-98369.html