Tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể; đóng góp quan trọng trong thu hút lao động và tăng trưởng kinh tế trong các ngành, lĩnh vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".

 Bên trong nhà máy ô tô Vinfast.

Bên trong nhà máy ô tô Vinfast.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.

Tỉ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. Như so sánh với một số nước, Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ngay từ khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

"Đến nay, 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan đến việc thực hiện của chúng ta trong cam kết Hiệp định CPTPP, 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn thực phẩm. Bước đầu, trong 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, đối với Canada tăng trên 70%, Mexico trên 80%...Điều đó cho thấy, CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Và quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải tận dụng được cơ hộ của hiệp định thương mại tự do này để thúc đảy xuất nhập khẩu đối với các thị trường mà cùng chúng ta tham gia CPTPP", Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ một số vướng mắc trong thực hiện các FTA. Trước hết, do đây là FTA thế hệ mới, có các tiêu chuẩn cao; ngay cả trong lĩnh vực dệt may - lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Muốn tận dụng về thuế giảm về không hoặc thấp của ngành dệt may, Việt Nam phải bảo đảm xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam đang phải đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các FTA, trong đó có CPTPP. Cùng với đó, tranh chấp về đầu tư trong các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp đầu tư khởi kiện Chính phủ. Đây là một thách thức, đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Trong điều kiện đó, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, các văn bản thực thi CPTPP; nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết. Điều này rất quan trọng, doanh nghiệp cần hiểu rõ những thuận lợi và thách thức trong thực hiện các hiệp định, đặc biệt là thực thi các cam kết của CPTPP.

Khi CPTPP có hiệu lực, khoảng 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống còn 0%. Đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/thao-go-vuong-mac-de-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien-5451.html