Tháo gỡ vướng mắc sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Ninh Bình

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính, giai đoạn 2019-2021, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc sáp nhập các xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Ðến nay, các xã được sáp nhập, sắp xếp vận hành ổn định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm nhiều biên chế. Song khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính còn gây ra phiền hà, cản trở sự phát triển, cần tập trung tháo gỡ giúp người dân ổn định cuộc sống.

Sau khi sáp nhập, đội ngũ công chức xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn tạo mọi điều kiện cho người dân làm thủ tục hành chính.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính, giai đoạn 2019-2021, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc sáp nhập các xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Ðến nay, các xã được sáp nhập, sắp xếp vận hành ổn định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm nhiều biên chế. Song khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính còn gây ra phiền hà, cản trở sự phát triển, cần tập trung tháo gỡ giúp người dân ổn định cuộc sống.

Giảm bộ máy hành chính cấp xã

Các xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số ở tỉnh Ninh Bình thực hiện sáp nhập sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Xuân Thiện, Chính Tâm, Yên Mật, Kim Chính và Như Hòa đều thuộc huyện Kim Sơn. Trên cơ sở thận trọng xem xét, đánh giá khách quan các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nguồn gốc hình thành cộng đồng dân cư; phong tục tập quán, tỉnh Ninh Bình thực hiện sáp nhập nguyên trạng xã Xuân Thiện với xã Chính Tâm, thành đơn vị hành chính mới là xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn (xã Xuân Chính có tổng diện tích tự nhiên 6,491 km2, có 13 thôn với dân số 5.642 người). Ðồng thời, tỉnh tổ chức giải thể đơn vị hành chính xã Yên Mật, huyện Kim Sơn; kết hợp cắt chuyển một phần diện tích tự nhiên, dân số xã Yên Mật nhập vào xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, nâng diện tích tự nhiên xã Kim Chính lên 7,225 km2, có 14 xóm với số dân là 7.363 người. Phần diện tích, số dân còn lại của xã Yên Mật, thì nhập vào xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, nâng diện tích xã Như Hòa lên 5,193 km2, có 11 xóm với số dân 5.337 người.

Trước đó, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, xác định rõ những đơn vị hành chính quy mô nhỏ bộc lộ rất nhiều bất cập. Ðó là không gian phát triển bị chia cắt; khó thực hiện việc lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn các lĩnh vực; thu ngân sách không đủ cân đối chi thường xuyên cho bộ máy chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội. Xã quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực của tỉnh, chưa kể việc đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị luôn tăng, trong khi ngân sách lại hạn hẹp. Do vậy, việc tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tăng hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị theo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019-2021 là rất cần thiết. Theo đó, tỉnh Ninh Bình giao huyện Kim Sơn khi sáp nhập, sắp xếp các xã phải thực hiện: Công bố Nghị quyết số 861/NQ-UBTVQH14, ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Kim Sơn của tỉnh. Công khai các quyết định về: Sáp nhập, giải thể tổ chức cơ sở đảng, chuyển giao các chi bộ, đảng viên, về chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh cán bộ chủ chốt của tổ chức cơ sở đảng ở các xã liên quan sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 3-2-2020.

Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Ðỗ Hùng Sơn cho biết: Thành công của việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở huyện Kim Sơn là do chủ trương này được người dân ủng hộ rất cao. Ở một số nơi, tỷ lệ người dân ủng hộ đạt từ 95% đến 99%. Ðến nay, các xã Xuân Chính, Kim Chính, Như Hòa đã ổn định tổ chức, bộ máy. Ðội ngũ cán bộ xã bước đầu thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự; kết hợp giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân. Huyện Kim Sơn cũng quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ các xã triển khai sáp nhập, sắp xếp và tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh trong năm 2020. Từ kết quả sáp nhập, sắp xếp nêu trên, tỉnh Ninh Bình hiện nay còn 143 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 119 xã, 17 phường, bảy thị trấn) giảm hai xã so với trước đây. Trong đó, huyện Kim Sơn có 25 đơn vị hành chính cấp xã, giảm hai xã... Phó Chủ tịch UBND xã Như Hòa Vũ Quốc Xương cho rằng, địa giới hành chính của xã Như Hòa sau khi sáp nhập, sắp xếp được mở rộng. Ðó là điều kiện “cần và đủ” để xã thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, qua thực tế, các xã Xuân Chinh, Như Hòa, Kim Chính sau sáp nhập, sắp xếp xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Vướng mắc đầu tiên là nợ đọng xây dựng cơ bản ở các xã nêu trên còn lớn. Chủ tịch UBND xã Xuân Chính Lưu Văn Ðông, cho biết: ‘‘Xã Xuân Chính hình thành từ hai xã Xuân Thiện và Chính Tâm. Trước khi sáp nhập, xã Xuân Thiện thực hiện xây trụ sở, trường học với số vốn đầu tư khá lớn trong năm 2019. Còn xã Chính Tâm khi đó phấn đấu về đích nông thôn mới, cho nên xã tập trung mọi nguồn lực xây dựng mới các công trình như nhà văn hóa, trường học, đường giao thông. Ðến đầu năm 2020, các xã nêu trên chưa kịp thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thì sáp nhập thành xã Xuân Chính, bắt đầu hoạt động từ ngày 3-2-2020 đến nay mới được hơn hai tháng, cho nên gánh nặng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa biết xử lý thế nào?’’. Không chỉ riêng xã Xuân Chính mà các xã thuộc diện sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính ở Ninh Bình đều có chung tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Kế tiếp là vướng mắc về dư thừa cán bộ xã, công chức xã, người hoạt động không chuyên trách; các chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư. Tại xã Như Hòa, sau khi thực hiện tiếp nhận một phần diện tích tự nhiên, dân số, cán bộ, công chức từ xã Yên Mật nhập vào thì số lượng cán bộ dư hai người, công chức xã dư bảy người. Ðối với xã Kim Chính theo Nghị quyết số 44 của HÐND tỉnh Ninh Bình, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã Kim Chính được bố trí đủ là 12 người, hiện nay vẫn dôi dư chín người. Tại các cơ sở giáo dục thuộc các xã nêu trên cũng có tình trạng dôi dư tương tự. Thực tế số lượng cán bộ cấp trưởng, cấp phó, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, tạo cho các xã mới thực hiện sáp nhập, sắp xếp của tỉnh thêm khó khăn nhất định. Hoặc việc sử dụng trụ sở, nhà văn hóa, trạm y tế ở đơn vị hành chính xã Yên Mật bị giải thể; trụ sở, công trình công cộng hiện nay để trống ở xã Xuân Thiện cũ làm sao tránh xuống cấp, tránh lãng phí, cũng là vấn đề đáng bàn. Một rào cản khác là việc thực hiện các thủ tục hành chính sau khi sáp nhập. Chủ tịch UBND xã Kim Chính Ðỗ Văn Thành cho biết: Xã Kim Chính sáp nhập 1.335 người dân ở các xóm 1, 2, 3 của xã Yên Mật giải thể. Về xã mới, người dân phải làm lại nhiều thủ tục hành chính, đường về trung tâm xã thì xa, cho nên xã Kim Chính hỗ trợ kinh phí mua bìa hộ khẩu phát miễn phí cho bà con; đồng thời xã lựa chọn 10 công chức đến từng xóm sao chép, chuyển đổi hộ khẩu cho người dân không phải đi xa. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính giải quyết cho người dân còn chậm vì liên quan một số đơn vị chức năng của tỉnh như việc làm căn cước công dân và nhiều thủ tục khác. Những khó khăn, vướng mắc nêu trên dù là khách quan, nếu không được quan tâm giải quyết thấu đáo, triệt để, dễ gây ra sự nghi ngờ, hiểu lầm, gây mất đoàn kết nội bộ và sự không hài lòng cho người dân, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình cần sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên; kết hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân các xã sáp nhập, sắp xếp. Ngành chức năng của tỉnh cần tổ chức hướng dẫn các xã sáp nhập, sắp xếp giai đoạn 2019-2020 về công tác hộ tịch, hộ khẩu, chứng thực hồ sơ tài liệu, chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ, ngành ở Trung ương sớm xem xét tham mưu với Chính phủ ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, người hoạt động chuyên trách cấp xã, người nghỉ việc do dôi dư sau khi sáp nhập, sắp xếp; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sáp nhập, sắp xếp tại tỉnh Ninh Bình cũng như trên phạm vi cả nước.

Bài và ảnh: LÊ HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43945402-thao-go-vuong-mac-sau-sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-tai-ninh-binh.html