Tháo gỡ vướng mắc tín dụng cho doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng cam kết sẽ đưa ra nhiều gói tín dụng và các chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây là các cam kết được ngành ngân hàng đưa ra tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, diễn ra ngày 29/8, tại TP. Cần Thơ.

Tăng trưởng tín dụng cao, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về các chính sách tín dụng đối với khu vực ĐBSCL

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về các chính sách tín dụng đối với khu vực ĐBSCL

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đánh giá, ĐBSCL là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch…, đặc biệt đóng góp tới 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD (lúa gạo, tôm, cá tra, rau quả). Để cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tích cực ban hành kế hoạch hành động, các chương trình, đề án triển khai thực hiện, trong đó, tập trung chú trọng cải cách hành chính, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tăng cường đối thoại và hỗ trợ doanh nghiệp thành phố tiếp cận các nguồn lực phát triển (đất đai, tín dụng, thị trường, thông tin). Nhờ đó, năm 2018, ĐBSCL tiếp tục được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt nhất trong 7 vùng của cả nước với 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố năm vừa qua.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian qua, hoạt động ngân hàng không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất, thủ tục cũng như đã cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Thống kê của NHNN cho thấy, với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018. Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 nghìn tỷ đồng, tăng 7,76% so với thời điểm ngày 31/12/2018 (cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%). Trong đó, dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%; lĩnh vực DNNVV tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%. Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của khu vực có tốc độ tăng trưởng khá như: thủy sản tăng 8,45%, đặc biệt là lúa gạo tăng 13,92%.

Là doanh nghiệp được hỗ trợ vốn tích cực từ các TCTD, ông Phạm Tiến Hoài - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, Cần Thơ (một doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực chế biến nông sản) - chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp đã tự tin đầu tư dây chuyền trang thiết bị hiện đại từ Italia, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, đại lý để đưa vào sản xuất với công suất 10.000 tấn/năm. Chính vì thế dù mới thành lập năm 2017 nhưng công ty đã có mức tăng trưởng ấn tượng 200% sau mỗi năm với doanh thu năm 2019 ước đạt 10 triệu USD.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - đại diện Công ty CP Ngọc Quang Phát - khẳng định, nguồn vốn của ngân hàng đã giúp công ty đầu tư hoàn chỉnh nhà máy và doanh thu từ lúc ban đầu chỉ vài chục tỷ đồng thì đến hết năm 2018 đã đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Sẽ linh hoạt các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng. Tất cả xuất phát từ các nguyên nhân như: thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao,... trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh.

Do đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính; Hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Thủy sản là một trong những lĩnh vực được ngành ngân hàng ưu tiên rót vốn

Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Tổng giám đốc HDBank - cho hay, HDBank đã và đang cung ứng nhiều gói tài trợ chuỗi chuyên biệt cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau tại khu vực ĐBSCL; triển khai mạnh Chương trình tín dụng xanh với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, dự kiến có thể tăng thêm tùy theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu vay thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo (ví dụ như ngành tôm), nông nghiệp xanh… sẽ có cơ hội tiếp cận vốn của chương trình này.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) - khẳng định, nguồn vốn ngân hàng của VietinBank luôn sẵn sàng. Song để tiếp cận được vốn thì doanh nghiệp cần phải chứng minh năng lực trình độ chuyên môn ngành nghề mình sản xuất; Có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; Có tài sản đảm bảo đáp ứng điều kiện quy mô vay vốn; Minh bạch về tài chính và phương án sử dụng vốn. “Doanh nghiệp nên làm thế nào để ngân hàng chúng tôi tranh nhau rót vốn cho các doanh nghiệp vay”, ông Dũng nói.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thao-go-vuong-mac-tin-dung-cho-doanh-nghiep-vung-dong-bang-song-cuu-long-124467.html