Tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất

Dù TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (GCN) nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn đọng hơn 17 nghìn trường hợp chưa được cấp GCN. Ðể tháo gỡ vướng mắc này, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu từ nay đến ngày 30-11, tất cả 24 quận, huyện phối hợp với các đơn vị báo cáo cho UBND từng trường hợp cụ thể để thành phố giải quyết.

Khiếu nại gia tăng

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hồng cho biết, tính đến tháng 6-2018, thành phố đã cấp được hơn 1,5 triệu GCN lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 95,8% trên tổng số nhà đất. Ðồng thời, thành phố cũng cấp 16.475 GCN cho các tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 17.303 trường hợp tồn đọng chưa được cấp GCN, chủ yếu do không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Ðơn cử như các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý; giấy tờ nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền…

Vì tồn đọng nhiều hồ sơ cấp GCN đã dẫn đến tình trạng tố cáo, khiếu nại liên quan đến cấp GCN gia tăng. Theo Trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân (HÐND) thành phố Trương Văn Danh, thời gian qua, thành phố nhận được 2.074 đơn thư khiếu nại liên quan đến cấp GCN. Trong số các đơn thư này, ngành TN-MT chỉ giải quyết được 20%, 80% còn lại chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác. Tuy nhiên, việc theo dõi kết quả giải quyết này như thế nào cũng không rõ có dứt điểm hay không hay khiếu nại ở cấp cao hơn? Nhiều ý kiến cho rằng, việc khiếu nại của người dân có nhiều nguyên nhân nhưng cũng có nguyên nhân từ quy định không rõ ràng, cán bộ có chuyên môn yếu nên hướng dẫn người dân không rõ ràng dẫn đến giải quyết sai - ông Danh đặt vấn đề.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng lý giải, hiện nay việc phân loại đơn thư cũng rất khó khăn. Có những trường hợp một nội dung, một vụ việc nhưng nhiều người trong gia đình đứng tên gửi nên gây thêm phức tạp. Hiện, cơ quan chức năng cũng đang xây dựng phần mềm để xử lý vấn đề này. Về trách nhiệm xử lý, thành phố đã ban hành Quyết định 36 để phân định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Ông Thắng cho biết, trong số hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp GCN nêu trên, Sở đã phân ra bốn nhóm để xử lý. Thí dụ như thành phố đã kiến nghị Bộ TN-MT cho phép cấp GCN cho những trường hợp mua bán giấy tay từ ngày 1-1-2008 đến ngày 1-7-2014 (Luật Ðất đai năm 2013 có hiệu lực). Tại những dự án nhà ở như chung cư có sai phạm thì Sở TN-MT cũng tham mưu thành phố xem xét cấp GCN cho người dân nếu dự án đó không vi phạm quy hoạch, vi phạm công tác phòng cháy, chữa cháy.

Sẽ giải quyết dứt điểm

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, cho biết: Bình quân mỗi tháng Giám đốc Sở TN-MT phải ký cấp GCN cho 58.000 hồ sơ. Ðây là một áp lực không nhỏ đối với những người làm công tác này. Các trường hợp chậm cấp, không cấp, không giải quyết dẫn đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân là do có nhiều nguyên nhân. Dù tất cả những thủ tục, quy định, chỉ đạo của UBND thành phố có đầy đủ, quy định pháp luật giống nhau nhưng vẫn xảy ra chuyện nơi này làm được, nơi kia không làm được là do lãnh đạo có quan tâm hay không.

Từ thực tế trên, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu từ nay đến 30-11, các văn phòng cấp GCN nhà đất quận, huyện phối hợp các sở, ngành báo cáo cho UBND thành phố từng trường hợp hiện nay không cấp giấy và nêu lý do pháp lý cụ thể. Trên cơ sở đó, những trường hợp nào sai thuộc về dân thì phải nêu rõ ràng, minh bạch để cho người dân đồng tình; những vấn đề gì người dân phản ánh đúng thì phải xem xét giải quyết. Còn những gì người dân sai có thể giải quyết được nhưng không thuộc thẩm quyền của quận, huyện mà thuộc thẩm quyền thành phố thì đề xuất để UBND thành phố giải quyết. Trường hợp quận, huyện đề xuất rồi nhưng thành phố không giải quyết thì tôi chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hồ Chí Minh - ông Tuyến khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo, từ nay đến ngày 31-12-2018, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phải tiếp tất cả 17.303 trường hợp chưa được cấp GCN nhà đất lần đầu. Còn UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp người dân 24 quận, huyện với những trường hợp thuộc thẩm quyền. Ðến đầu năm 2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi kiểm tra 24 quận, huyện về nội dung đầu việc này. Nếu địa phương nào làm sai, chậm giải quyết hồ sơ cho dân sẽ bị xử lý. Quan điểm của UBND thành phố là không để xảy ra tình trạng khi HÐND giám sát, UBND thành phố ghi nhận, tiếp thu rồi lại tiếp tục giám sát, ghi nhận. Cán bộ nào không làm tốt nhiệm vụ sẽ thuyên chuyển sang công việc khác.

Về cấp giấy chứng nhận cho nhà chung cư, UBND thành phố chỉ đạo giải quyết vướng mắc như sau: Với trường hợp chung cư đang thế chấp ngân hàng mà chủ đầu tư bán cho người dân thì hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa, giải quyết tranh chấp ba bên. Với trường hợp chủ đầu tư đã bán nhà cho dân rồi còn đem chung cư thế chấp ngân hàng, tức có dấu hiệu lừa đảo, phải chuyển cơ quan điều tra. Trường hợp xây dựng sai phép mà không ảnh hưởng đến quy hoạch, an toàn công trình hoặc an toàn phòng cháy, chữa cháy thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt và giải quyết cấp GCN cho người dân.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38226702-thao-go-vuong-mac-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-nha-dat.html