Tháo gỡ vướng mắc về bản quyền bộ ảnh thảm sát Sơn Mỹ

Việc ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng bộ ảnh thảm sát Sơn Mỹ đã giải quyết vấn đề về bản quyền, kể từ khi các bức ảnh này được trưng bày năm 1978.

Chiều 15/3, tại Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo, cung cấp tới báo chí nội dung thỏa thuận giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle về vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Tại họp báo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 8/3 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng ông Ronald L. Haeberle (tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ) và các cơ quan liên quan đã có buổi gặp gỡ. Tại đây, các bên đã trao đổi và đi đến đi đến thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle.

 Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: DT

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: DT

Theo đó, tác giả cho phép Khu chứng tích Sơn Mỹ được sử dụng bộ ảnh cho mục đích trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Đồng thời, bức ảnh màu “Anh che đạn cho em” được đặt tên lại "A young boy tries to shield his sister from bullets" - “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle là sự thành công, giải quyết vấn đề về bản quyền tác giả ảnh mà từ khi các bức ảnh này được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ từ năm 1978 đến nay, đảm bảo phù hợp với pháp luật của quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết.

Bản thỏa thuận đã giải quyết vấn đề bản quyền của tác giả ảnh, làm cơ sở trưng bày lâu dài các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ nhân dân, du khách và thế hệ sau; góp phần tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn về những mất mát to lớn trong chiến tranh để phát huy tinh thần yêu chuộng hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 đã cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ. Chứng kiến vụ thảm sát, ông Ronald L. Haeberle, một phóng viên chiến trường đã chụp 60 bức ảnh, gồm 40 ảnh đen trắng và 20 ảnh màu ghi lại cảnh tượng này. Cuối năm 1969, bộ ảnh này được đăng trên tạp chí Time, Life và Newsweek.

Trong số các bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle có bức ảnh màu thể hiện một đứa trẻ che đạn cho một đứa trẻ khác. Theo chú thích của tạp chí Life, cả hai sau đó đã bị sát hại.

 Bức ảnh “Anh che đạn cho em” được đặt tên lại là “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái”

Bức ảnh “Anh che đạn cho em” được đặt tên lại là “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái”

 Ông Ronald L. Haeberle đồng ý cho khu chứng tích Sơn Mỹ trưng bày các bức ảnh của ông liên quan đến vụ thảm sát. Ảnh chụp ngày 8/3

Ông Ronald L. Haeberle đồng ý cho khu chứng tích Sơn Mỹ trưng bày các bức ảnh của ông liên quan đến vụ thảm sát. Ảnh chụp ngày 8/3

 Tác giả Ronald L. Haeberle và bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ hiện đang trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: NVCC

Tác giả Ronald L. Haeberle và bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ hiện đang trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: NVCC

Bức ảnh này từng làm “dậy sóng” dư luận khi ông Trần Văn Đức (một Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức), tuyên bố ông và người em gái là bà Trần Thị Hà (sống tại xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi) là nhân vật trong ảnh.

Thông tin về số phận các nhân vật trong ảnh khác nhau dẫn đến sự tranh cãi về chú thích ảnh. Do không thể đi đến thống nhất, năm 2020, ông Ronald L.Haeberle yêu cầu Khu chứng tích Sơn Mỹ tạm dừng treo bộ ảnh của ông về vụ thảm sát.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thao-go-vuong-mac-ve-ban-quyen-bo-anh-tham-sat-son-my-post239409.html