Thảo luận chính sách phát triển vận tải công cộng, xe đưa đón học sinh, công nhân

Thảo luận tại phiên họp, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức hiệu quả phương tiện vận tải hành khách, đảm bảo an toàn cho phương tiện đưa đón học sinh…

Sáng 24/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Thảo luận tại phiên họp, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức hiệu quả phương tiện vận tải hành khách, đảm bảo an toàn cho phương tiện đưa đón học sinh…

Không để trạm thu phí một nơi lại thu cho một nơi khác

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu, ghi nhận dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách một luật thành hai luật, tuy nhiên vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Về trạm thu phí đường bộ, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị quy định rõ nơi đặt trạm, tránh trường hợp trạm ở một nơi lại thu cho một tuyến đường khác.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị rà soát để tránh quá cụ thể, bảo đảm phổ quát hơn. Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Điều 24 về xây dựng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật, Điều 32 về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hay các điều quy định về đường cao tốc…cần lồng ghép điều khoản về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về Điều 50, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi xây dựng cao tốc, đại biểu Huân cho biết nội dung này đã quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai, do đó, đề nghị không nên đưa vào Luật Giao thông đường bộ.

Không để một xe chở học sinh lại được quản lý bằng hai luật

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cơ bản tán thành xây dựng 2 Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ. Song, đại biểu nhận thấy trong quá trình xây dựng còn nhiều vấn đề cần phân biệt rõ để chuyển sang một luật hay để trong hai luật. Ví dụ về xe đưa đón học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ điều 72 khoản 2 quy định lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách nhưng dự thảo Luật TTATGT đường bộ chỉ quy định về người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non; với xe trên 24 chỗ phải có hai người quản lý trở lên.

Đại biểu đặt vấn đề, một xe chở học sinh nhưng lại được quản lý bằng hai luật, vậy khi thực tế áp dụng thì sẽ phiền phức, khó khăn với cả người tổ chức kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý, nên đưa quy định về thâm niên người lái xe vận tải học sinh về Luật TTATGT đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cơ bản tán thành xây dựng 2 Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ.

Góp ý về chính sách phát triển hoạt động đường bộ, theo khoản 2 ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng nên áp dụng với cả tàu trên cao, tàu điện ngầm… Đại biểu Dũng cũng đề nghị cân nhắc đổi tên của Luật thành Luật hoạt động đường bộ để bao phủ mọi lĩnh vực cả vận tải, cả quy hoạch.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.

Cùng đề cập đến vấn đề này trong phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, còn một số quy định chưa hợp lý ví dụ việc quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ là chưa hợp lý vì Điều 61 khoản 13 của dự thảo luật quy định hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ. Trong khi đó, các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh. Trong nhiều trường hợp, khó phân biệt đây có phải hoạt động kinh doanh hay không.

Đại biểu đề nghị quy định rõ với dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là nhà trường, tránh tình trạng giao cho ban phụ huynh thực hiện.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thao-luan-chinh-sach-phat-trien-van-tai-cong-cong-xe-dua-don-hoc-sinh-cong-nhan-i714865/