Thảo luận sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng: 'Khó' xử lý tài sản bất minh

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình ra kỳ họp lần này để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến, được xác định là dự án luật khó, còn nhiều ý kiến khác nhau, như vấn đề mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm; giải trình không hợp lý về nguồn gốc...

Tài sản giàu lên phải hợp pháp

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh thì: Cán bộ, công chức trong mấy chục năm vừa rồi, đặc biệt mấy năm gần đây nói chung nhiều trường hợp không thể sống và lo cho gia đình bằng thu nhập từ lương, cho nên thu nhập ngoài lương là bình thường. Trong hàng chục năm qua nhiều cán bộ, công chức bằng nhiều cách khác nhau đã giàu lên nên chuyện cán bộ, công chức giàu không phải là chuyện gì chúng ta kỳ thị. Vấn đề là thu nhập ngoài lương và tài sản giàu lên này phải hợp pháp.

Ở nhiều quốc gia tư bản tài sản hợp pháp phải dựa trên thu nhập hợp pháp. Đối với công chức của họ còn kèm theo hợp pháp và minh bạch. Yêu cầu đối với công chức cao hơn với người dân bình thường nên tính minh bạch rất cao, đi vào từng khoản thu nhập nhỏ, người ta siết vấn đề quà cáp rất ghê gớm. Cho nên không thể dùng quyền tài sản, quyền công dân thông thường để áp dụng một công chức.

ĐB Nghĩa đề nghị phân chia vấn đề tài sản bất minh ra nhiều loại. Thứ nhất, nếu cán bộ, công chức không khai báo trước hết vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức. Đôi khi không khai báo khi tìm hiểu ra đó là tài sản hoàn toàn hợp pháp thì không xử lý. Loại thứ hai, khi tìm hiểu thấy tài sản có vấn đề, nó có thể là vấn đề không đóng thuế. Ví dụ, anh bán một cái nhà mấy chục tỷ anh không đóng thuế thì bây giờ thu thuế thu nhập. Nhưng bất minh này có thể rơi vào dạng có vấn đề về đạo đức, nhưng tài sản hòa nhập anh chị em, rồi quà cáp vừa hợp pháp vừa không hợp pháp, v.v.. ta có thể xử ở mức độ hành chính, thậm chí không đưa vào xử lý tài sản.

Cũng tài sản bất minh này có trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra. Chính ở cơ quan điều tra người được điều tra không phải kết luận người ta có tội, mục đích của điều tra không phải để buộc tội mà để xác định có tội hay không. Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng được áp dụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Chính khi qua cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra có thể xác minh giúp người này tài sản hoàn toàn là hợp pháp và người này không vi phạm pháp luật hình sự gì cả. Lúc đó lại không tịch thu tài sản đó nhưng nếu điều tra xác minh là có tội thì lúc đó tịch thu tài sản đó. Do vậy, ĐB đề nghị chia ra làm nhiều loại thì sẽ hợp lý hơn.

Xử lý kỷ luật nếu bao che hoặc bỏ qua hành vi tham nhũng

ĐBQH Trần Văn Mão - Nghệ An

Cho ý kiến về chế tài xử lý đối với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi ban hành kết luận về một tổ chức, cá nhân là không hành vi tham nhũng, nhưng các cơ quan thanh tra, kiểm tra kiểm toán tiếp theo người ta phát hiện ra là có hành vi tham nhũng thì cơ quan thanh tra kiểm tra, kiểm toán trước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý trước pháp luật. ĐB Trần Văn Mão - Nghệ An cho rằng: Trong dự thảo cần phải làm rõ đối với những lỗi chủ quan của cơ quan thanh tra kiểm tra, kiểm toán đã làm trước, đã có những vi phạm cố tình bao che hoặc bỏ qua hành vi tham nhũng thì lúc đó mới bị xử lý kỷ luật, trách nhiệm hành chính hoặc là trách nhiệm hình sự.

Cũng theo ĐB Mão, trong thực tiễn những quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn chưa chặt chẽ và chưa phù hợp, ĐB nêu ví dụ về hành vi mua bán hóa đơn ở nước ngoài, máy móc ở nước ngoài… giấu diếm hồ sơ hoặc không cung cấp hết hồ sơ cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định của pháp luật mà những cơ quan này được quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ. Trong trường hợp đó, nếu xử lý những cơ quan này thì sẽ là bị oan sai. Cho nên ĐB đề nghị trong dự thảo phải ghi rõ: Trong trường hợp cố tình bao che hoặc bỏ qua đối với những hành vi tham nhũng thì lúc đó mới xử lý trách nhiệm vi phạm pháp luật đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trước.

Nguyên tắc xác định tài sản bất minh

ĐBQH Ngô Trung Thành - Đắk Lắk

Cho ý kiến về việc nguyên tắc xác định tài sản bất minh, ĐBQH Ngô Trung Thành - Đắk Lắk cho rằng: Chúng ta phải thống nhất nguyên tắc, nếu đã là tài sản bất minh, giải trình không hợp lý và chúng ta đã xác định được đó là tài sản bất minh thì việc điều tra, truy tố và xét xử đó là nguyên tắc, không thể tránh được. Chúng ta đặt vấn đề là tòa án ra quyết định thu hồi, hoặc cơ quan kiểm soát tài sản ra quyết định chuyển cho cơ quan thuế để thu thuế thì chúng ta không xử lý hình sự với hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta phải thống nhất nguyên tắc như vậy. Do đó, ĐB cho rằng: Các tài sản chưa xác định được đó là tài sản bất minh hình thành được từ vi phạm pháp luật, chỉ đơn giản là tài sản chưa giải trình được.

Vì vậy, việc kết luận tài sản này không giải trình được một cách hợp lý nên để Tòa án và chỉ có Tòa án mới đảm bảo sự minh bạch được. Chứ còn việc đó là thẩm quyền của tòa án như thế nào và đây là loại hình tố tụng như thế nào, thẩm quyền tố tụng hành chính hay là dân sự thì tôi cũng nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được và sửa đổi quy định liên quan đến Luật tổ chức Tòa án.

Xuân Hưng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/thao-luan-sua-doi-luat-phong-chong-tham-nhung-kho-xu-ly-tai-san-bat-minh-60881.html