THẢO LUẬN TỔ 15: CẦN THỂ CHẾ ĐỦ MẠNH VÀ PHÙ HỢP ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TẠI TP.HỒ CHÍ MINH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã có đủ căn cứ chính trị theo Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết số 76 ngày 15/11/2022, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2014/QH14 của Quốc hội khóa XIV trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó, có các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu tại phiên họp

Cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền Thành phố nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết có 02 nhóm chính sách với 44 nội dung cụ thể. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã kế thừa các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54/2014/QH14 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội. Các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo Nghị quyết với 04 nhóm vấn đề gồm đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, giải pháp là “có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh”, đại biểu Nguyễn Thành Trung nhận thấy, các nhóm chính sách đưa ra trong dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện được nhiệm vụ này. Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã là trung tâm tài chính của Việt Nam dù vẫn chưa hoàn chỉnh. Để hình thành trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh cần hoàn thiện ba trụ cột cốt lõi.

Đầu tiên là trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, đại biểu cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư chuyên hoạt động trên thị trường vốn, thị trường tài chính trung và dài hạn. Đối với trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai, mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ tất cả ngành nghề. Cuối cùng là trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh, tại địa bàn thành phố vẫn chưa có trụ cột này.

Để hoàn thiện các trụ cột nói trên, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng cần có thể chế đủ mạnh và phù hợp nhằm tạo thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn, có đầy đủ năng lực để kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, cũng như có các cơ chế ưu đãi đủ mạnh và phù hợp cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Điều 7 Dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung cũng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 6 cơ chế, chính sách được quy định tại các Dự thảo Luật đang được trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến quy định của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp

Thống nhất cao với việc sửa đổi, thay thế Nghị quyết 54/2014/QH14, đại biểu Vũ Ngọc Long – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp thành phố thực sự là đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học-công nghệ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, về sự cần thiết, Tờ trình của Chính phủ có nêu sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại, đại biểu nhận thấy, sự chững lại không hoàn toàn do Nghị quyết 54/2014/QH14 mà còn do sự triển khai trên thực tế.

Đại biểu cho rằng, sự chững lại trên cũng do chưa có sự liên kết vùng, chưa có định hướng tốt để Thành phố Hồ Chí Minh để thực sự trở thành đầu tàu của vùng và cả nước. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đề chỉnh lại về sự cấn thiết ban hành Nghị quyết để các vị đại biểu Quốc hội thuyết phục được cử tri; đồng thời nhận được sự đồng thuận cao khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đây là nội dung rất quan trọng Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW có nêu rõ cần hết sức chú trọng đến việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực, đây là điểm nhấn trong Nghị quyết trên. Trên tinh thần đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng như Chính phủ đã có nhiều phiên họp để định hướng, trao đổi, chia sẻ và thống nhất, sau đó hoàn thiện. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có những phiên họp thảo luận sâu về vấn đề này để trình Quốc hội. Có thể nói, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã khá hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụcho biết, tại Kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội sẽ phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh một số nội dung, trong đó nổi lên vấn đề liên quan tới Sở An toàn thực phẩm. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, về cơ sở chính trị thì đã được căn cứ vào Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư và căn cứ theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Liên quan tới pháp lý, các Luật cũng có quy định liên quan; đặc biệt liên quan tới Luật An toàn thực phẩm. Trên thực tiễn, Chính phủ đã cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm từ năm 2017 và đã được thực hiện rất hiệu quả.

Qua tổng kết đánh giá với 03 mô hình thí điểm gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả nhất. Từ đó, trên cơ sở Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, thành phố cũng có đề xuất tiếp tục nâng cấp thí điểm từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành Sở An toàn thực phẩm. Từ các cơ sở trên có thể thấy đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để nâng cấp từ Ban lên Sở và được thí điểm trong 5 năm khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng mong muốn, các vị đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện thí điểm mô hình này để tổng kết, rút kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả thực hiện trên tinh thần Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư. Qua đó kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất có một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm về an ninh, an toàn thực phẩm.

Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về thời điểm xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết và tính hợp lý, khả thi của các chính sách mới. Đồng thời, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi)./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đại biểu Đỗ Đức Duy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Vũ Ngọc Long - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Hoàng Thành Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Hà Quốc Trị - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Phan Viết Lượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76435