THẢO LUẬN TỔ 3: CẦN NGHIÊM CẤM HÀNH VI TRUY CẬP, SAO CHÉP, CHIA SẺ TRÁI PHÉP CƠ SỞ DỮ LIỆU, TÀI LIỆU ĐIỆN TỬ

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tại tổ 3, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu, tài liệu điện tử.

Tại phiên thảo luận tổ, đa số đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 12 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm yêu cầu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Toàn cảnh phiên họp

Tham gia ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, phần giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật chưa tương thích với các nội dung cụ thể ở các chương, đại biểu đề nghị cần quy định rõ, “lưu trữ hiện hành” nói đến hoạt động lưu trữ đối với tài liệu phát sinh trong hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, còn “lưu trữ lịch sử” là việc thực hiện lưu trữ với các tài sản lịch sử. Thực tiễn, trong một cơ quan có thể vừa tổ chức hoạt động lưu trữ hiện hành, vừa tổ chức hoạt động lưu trữ lịch sử.

Bên cạnh đó, về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu cho biết, khoản 2 Điều 6 của dự thảo luật có quy định nghiêm cấm làm giả, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ tài liệu lưu trữ; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm cung cấp tài liệu lưu trữ trái phép, bởi trên thực tế, có những tài liệu có tính chất mật, hoặc có giá trị lịch sử, cần được bảo quản nghiêm ngặt. Đồng thời, cần nghiêm cấm truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu, tài liệu điện tử, hoăc xây dựng, phát hành những phần mềm làm thay đổi, hủy hoại hệ thống phương tiện lưu trữ tài liệu điện tử.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khoản 2, Điều 2 của dự thảo luật có quy định: Tài liệu điện tử là thông tin được tạo ra trên phương tiện điện tử, có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin. Tài liệu số là một dạng tài liệu điện tử được tạo ra bằng phương pháp dùng tín hiệu số. Đại biểu đề nghị tách phần giải nghĩa “tài liệu số” ra thành một khoản riêng để thuận tiện cho việc tra cứu.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, khoản 6 Điều 2 của dự thảo luật quy định: Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là tài liệu lưu trữ có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia về lịch sử, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 12 lại quy định: Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt có giá trị và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Đại biểu cho rằng, có sự trùng lặp một phần hoặc chưa đầy đủ về giải thích từ ngữ ở mỗi khoản của các điều này, đồng thời để nghị bỏ khoản 1 Điều 12, điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý vào phần giải thích từ ngữ.

Khoản 5 Điều 27 có quy định: Người đứng đầu Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thành lập Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử của Nhà nước theo thẩm quyền quản lý. Đại biểu đề nghị tách khoản này thành Điều riêng, về Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử của Nhà nước, tương tự như Điều 16 về Hội đồng thẩm tra để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với việc phân định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ như quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật; đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời tiếp thu ý kiến thẩm tra, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ của tổ chức đảng trong các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao phù hợp với Quy định số 270-QĐ/TW của Ban Bí thư về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự thảo Luật Lưu trữ có quy định, các bản sao tài liệu lưu trữ, bản chứng thực tài liệu lưu trữ là một trong các hình thức sử dụng tài liệu lưu trữ, và người cấp bản sao, bản chứng thực tài liệu lưu trữ phải nộp lệ phí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng tài liệu lưu trữ có nghĩa vụ nộp phí sử dụng tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, Luật Phí và lệ phí năm 2015 chưa có quy định về lệ phí cấp bản sao và bản chứng thực tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị cần rà soát quy định này, đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật này với Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Về kho lưu trữ số tư, khoản 4 Điều 34 quy định, kho lưu trữ số tư lưu trữ cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ; tổ chức kinh tế không phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Đại biểu cho rằng cần rà soát, đánh giá trong việc liên hệ với quy định về cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số, được quy định tại Điều 18 của Luật Công nghệ thông tin, để đảm bảo quy định được thống nhất.

Về trách nhiệm trong việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, khoản 2 Điều 43 của dự thảo luật quy định: Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Lưu trữ lịch sử. Đại biểu nhấn mạnh, quy định này còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm, không đảm bảo hiệu quả. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đối với từng đối tượng nêu trên để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, khả thi.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đại biểu Thái Thanh Quý, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, phần giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật chưa tương thích với các nội dung cụ thể ở các chương

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng cần rà soát, đánh giá trong việc liên hệ với quy định về cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số, được quy định tại Điều 18 của Luật Công nghệ thông tin, để đảm bảo quy định được thống nhất

Các đại biểu tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến về dự án luật Lưu trữ (sửa đổi)./.

Hồ Hương - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82076