THẢO LUẬN TỔ 9: RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH ĐỂ BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Sáng 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế, Lạng Sơn, Hà Nam và Phú Thọ, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật trong bối cảnh cách mạng khoa học phát triển như hiện nay; đồng thời lưu ý đến tính khả thi của các quy định của dự thảo Luật.

THẢO LUẬN TỔ 9: ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HƠN NỮA, SÂU HƠN, PHÙ HỢP HƠN VỚI ĐẶC ĐIỂM ĐỊA PHƯƠNG

THẢO LUẬN TỔ 9: CẦN CHỈ RÕ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN TRONG VIỆC CHẬM TRIỂN KHAI MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỦA NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14

THẢO LUẬN TỔ 9: CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC DỰ ÁN

Thảo luận tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế, Lạng Sơn, Hà Nam và Phú Thọ

Đại biểu Lê Trường Lưu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là hết sức cần thiết, phù hợp trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, đối với giao dịch điện tử thì điều quan trọng là tính bảo mật, an toàn của giao dịch, cùng với đó là hạ tầng cho giao dịch điện tử.

Đại biểu cũng đặt vấn đề trường hợp hạ tầng không bảo đảm, sập mạng dẫn đến giao dịch không thành thì ai chịu trách nhiệm. Do đó cần bảo đảm bảo mật, an toàn của không gian mạng để thực hiện giao dịch.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu

Mặt khác khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh thì Luật cần quy định mang tính nguyên tắc, quy định chung, còn đối với những nội dung mang tính kỹ thuật cụ thể thì có thể quy định giao Chính phủ tùy bối cảnh, tính hình, điều kiện, trình độ để hướng dẫn chi tiết phù hợp.

Trong khi đó, về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí với việc bỏ loại trừ để mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật về giao dịch điện tử liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội bao gồm giao dịch điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị có quy định cụ thể về quy trình đối với việc thực hiện một số giao dịch liên quan đến các thủ tục hành chính phức tạp.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Cũng nhằm mục tiêu bảo đảm tính khả thi của Luật, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị cần có quy định về tính liên thông dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẽ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý giao dịch điện tử. Quy định rõ hơn về một công dân có một mã định danh trong giao dịch điện tử. Dự thảo Luật cần giải thích rõ ngữ nghĩa nội dung của một số khái niệm liên quan như “chữ ký điện tử” “chữ ký số”…

Về nội dung hợp đồng điện tử, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết Luật Công chứng năm 2014 chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng điện tử. Điều này có nghĩa là các quy định về công chứng hợp đồng điện tử chưa thực sự thống nhất, có nguy cơ chồng chéo với nhau. Đại biểu đề nghị rà sát đánh giá để có quy định thống nhất về việc công chứng hợp đồng điện tử sẽ được điều chỉnh như thế nào ở các văn bản có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung các hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý, bổ sung khung pháp lý để điều chỉnh chữ ký scan, chữ ký hình ảnh trong hợp đồng điện tử; bổ sung làm rõ các quy định về tài khoản định danh điện tử, xác thực điện tử trong dự thảo Luật; cùng với đó là cần có quy định về sử dụng chữ ký số trong định danh và xác thực điện tử không làm thay đổi dịch vụ công, các hệ thống thông tin đã và đang triển khai chữ ký số.

Có cùng quan tâm đến chữ ký điện tử, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện nay có hai khái niệm là “chữ ký số” và “chữ ký điện tử”. Trong đó khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật quy định về chữ ký số với nội hàm tương tự chữ ký điện tử. Đại biểu nêu rõ trường hợp với nội hàm giống nhau thì nên quy định dùng chung một thuật ngữ để bảo đảm thống nhất.

Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng đề nghị bổ sung quy định về việc sử dụng hình ảnh chụp căn cước công dân. Dẫn chứng một số hoạt động trên môi trường điện tử như mở tài khoản ngân hàng trực tuyến phải chụp hình căn cước công dân và upload lên phần mềm của ngân hàng hay kí hợp đồng sử dụng internet hay điện thoại hay giao dịch trực tiếp với cán bộ ngân hàng nhiều trường hợp đều chụp lại căn cước công dân…Đại biểu đặt vấn đề trong quá trình chụp và upload lên hệ thống thì việc bảo mật thông tin cá nhân sẽ như thế nào. Trong khi đó việc mở tài khoản giả, tài khoản ảo đã xảy ra. Vì vậy cần có quy định trong trường hợp này. Tiêu chuẩn chung về bảo mật trong xác thực điện tử bổ sung xác thực chung cho tất cả.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=70138