Thảo luận về báo cáo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Sáng 17-9, tại Nhà Quốc hội (QH), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) đến năm 2020.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1% đến 1,5%/năm. Tại các huyện nghèo, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này còn 44,93%, giảm 5,5%; cuối năm 2017 còn 39,56% (giảm 5,37%) - bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt chỉ tiêu QH giao. Báo cáo cũng cho thấy, đến cuối năm 2017, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. Ðến nay đã có tám huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn...

Báo cáo thẩm tra sơ bộ do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh trình bày, nhấn mạnh Thường trực Ủy ban tán thành với các đánh giá của Chính phủ về những kết quả quan trọng đạt được trong hai năm 2017, 2018. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã phát huy tốt thành quả và kinh nghiệm quản lý, quyết liệt, sâu sát điều hành công tác giảm nghèo, nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc để vận hành Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV, duy trì được kết quả giảm nghèo đạt chỉ tiêu QH giao ở mức cao, kiềm chế có hiệu quả tái nghèo.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, báo cáo thiếu đánh giá kết quả định lượng đối với một số chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết 76 và Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV về: giải quyết đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo; tỷ lệ xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, thành quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Ðến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thuộc Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có một số tỉnh có điều kiện KT-XH thuận lợi. Vẫn còn nhiều hạn chế của công tác giảm nghèo trong giai đoạn trước đây chưa được khắc phục...

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm tình hình áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị trong giải quyết đất ở, đất sản xuất kết quả còn hạn chế; giải quyết tình trạng trục lợi chính sách; vấn đề tích hợp chính sách, phối hợp giữa các địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra; cho rằng vừa qua kết quả phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này rất hạn chế. Thời gian tới, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết để cụ thể hóa và thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách hiện có. Các đại biểu đề nghị QH, Ủy ban TVQH bố trí đủ kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV trong hai năm 2019 và 2020; quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt trong việc giải quyết thiếu hụt các chỉ số về nhà ở, y tế; bổ sung nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng kịp thời, hiệu quả.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong công tác quản lý nhà nước, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và các cấp chính quyền, không thể trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Cần tìm ra giải pháp GNBV phù hợp, quan tâm nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả. Giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ hay bất cứ bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nào, mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Trong đó phải có trách nhiệm chăm lo các đối tượng gia đình chính sách - xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. QH sẽ tiến hành giám sát tối cao và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu GNBV đến năm 2020.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Vừa qua, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đã tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ về dự án luật này. Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra, bảo vệ sức khỏe của người dân.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37649002-thao-luan-ve-bao-cao-thuc-hien-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung.html