Thảo luận về chính sách thị trường lao động và hội nhập quốc tế

Để có thể hưởng lợi tối đa từ thương mại tự do, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện chính sách thị trường lao động và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động.

Tọa đàm thảo luận về chính sách thị trường lao động và hội nhập quốc tế. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tọa đàm thảo luận về chính sách thị trường lao động và hội nhập quốc tế. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Để có thể hưởng lợi tối đa từ thương mại tự do, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện chính sách thị trường lao động và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động. Điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Đây là thông điệp chính của một cuộc hội thảo về chính sách thị trường lao động và sự cần thiết của việc nâng cao kỹ năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.

Trong bối cảnh đã phê chuẩn CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và những nỗ lực không ngừng nhằm phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng lợi ích từ thương mại tự do và tăng năng suất.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chính sách thị trường lao động và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo, các chuyên gia từ ILO và OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã trình bày kết quả của một nghiên cứu do Thụy Sỹ tài trợ về thị trường lao động tại ASEAN. Báo cáo cho thấy sự cần thiết phải cải thiện kỹ năng, thúc đẩy quyền của người lao động và mở rộng phạm vi của các cơ chế bảo trợ xã hội nếu các nước muốn được hưởng lợi từ thương mại tự do.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội, cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

Giám đốc ILO Việt Nam, tiến sỹ Chang-Hee Lee khẳng định: “Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại dựa trên bằng chứng đáng tin cậy nhằm liên tục đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp và người lao động, cùng với việc cung cấp bảo trợ xã hội cần thiết cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng với đặc thù là Cách mạng Công nghiệp 4.0.”

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung xem xét các chính sách thị trường lao động của Việt Nam và các chiến lược về tăng cường kỹ năng; trao đổi kinh nghiệm giữa Thụy Sỹ và Việt Nam về thể chế thị trường lao động và chiến lược thị trường lao động để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn…/.

Thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho cách mạng 4.0. (Nguồn: VNEWS)

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thao-luan-ve-chinh-sach-thi-truong-lao-dong-va-hoi-nhap-quoc-te/536837.vnp