Thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 23-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23-10

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23-10

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 cũng như tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo Bộ luật Lao động tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về giải quyết tranh chấp lao động và đình công; một số quy định chung; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; mức lương tối thiểu; Hội đồng Tiền lương quốc gia; nâng lương, nâng bậc, chế độ phụ cấp, trợ cấp...

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; nghỉ lễ, Tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung sửa đổi của bộ luật. Các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp này nhưng phải trên cơ sở thảo luận, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhiều chiều, phải có thêm đánh giá tác động toàn diện về các nội dung của dự án bộ luật; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo bộ luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về, nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật như: về làm thêm giờ, việc tăng tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào, về tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương; đồng thời thẳng thắn góp ý về kỹ thuật xây dựng văn bản. Đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.

Theo chương trình làm việc, hôm nay 24-10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; báo cáo thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và thảo luận tổ về nội dung này.

B.H

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201910/thao-luan-ve-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-2970183/