Thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

Sáng 20-6, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ ba với việc thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Phiên họp được tiến hành với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

* Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ha-i-ti dự thính phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam

* Thông qua 5 luật, 2 nghị quyết

Thảo luận về dự án luật này, một số ý kiến đại biểu đánh giá cao những điểm mới tiến bộ của dự luật khi dành 5 điều quy định về việc giao cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản nhằm khuyến khích phát triển ngành nuôi khơi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh đến yếu tố bảo đảm an ninh, quốc phòng khi giao mặt nước biển cho việc nuôi trồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) thống nhất với dự thảo chỉ quy định thời gian cho thuê tối đa là 20 năm và có thể gia hạn thời gian thuê, không quy định thời gian tối thiểu cho phù hợp với thực tiễn. “Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, 20 năm là quá đủ cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hồi vốn đầu tư và có lãi. Hơn nữa, việc xác định thời gian thuê phụ thuộc vào sự thỏa thuận với nhà đầu tư chứ không phải chỉ phụ thuộc vào phía địa phương, nên không cần thiết quy định thời gian tối thiểu”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Man (đoàn Quảng Bình) đề nghị cân nhắc kỹ việc giao cho UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, vì có những dự án lớn liên quan đến quốc phòng, an ninh, chính trị. Những dự án này cần có sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng và Chính phủ để tránh tình trạng tùy tiện khi giao mặt nước, dẫn tới khó kiểm soát.

Đại biểu Vương Văn Sáng (đoàn Lào Cai) nêu ý kiến cần cân nhắc kỹ, không quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam được quyền chuyển nhượng, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê lại mặt nước biển để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cần quy định cụ thể hơn trường hợp cho người nước ngoài thuê lại mặt nước biển, tránh trường hợp bị lợi dụng. Đại biểu cho rằng, nếu người nước ngoài thuê lại ở khu vực ngoài khơi xa bờ sẽ rất khó quản lý về an ninh quốc gia, nên cần có quy định chặt chẽ để tránh tiềm ẩn nguy cơ

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến cần bổ sung quy định về trưng dụng mặt nước biển nuôi trồng thủy sản trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai. Đại biểu lý giải, khi xảy ra các trường hợp nêu trên, cơ quan nhà nước không có thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bồi thường, đền bù.

Đại biểu Hứa Văn Nghĩa (đoàn Trà Vinh) phân tích, quy định cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản như Điểm b, Khoản 3, Điều 44 dự luật là hoàn toàn mới, chưa từng có văn bản nào quy định về vấn đề này. Hơn nữa, theo ý kiến của cơ quan thẩm tra dự luật, diện tích và vùng biển đặc quyền kinh tế nước ta rộng lớn, tiếp giáp với nhiều quốc gia, rất khó kiểm soát và ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Do vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ hơn nội dung này để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

* Trước đó, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.

Cũng trong phiên họp buổi sáng 20-6, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ha-i-ti Y-u-ri La-tô-tu (Youri Latortue) cùng Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Cộng hòa Ha-i-ti đã tới dự thính phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội Việt Nam, tham quan Nhà Quốc hội Việt Nam.

Trong phiên họp buổi chiều, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết về Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Thủy lợi với đa số phiếu tán thành.

Cũng với đa số phiếu tán thành, trong nội dung làm việc cuối cùng của phiên họp chiều 20-6, Quốc hội đã biểu quyết Luật Du lịch (sửa đổi) với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Ngày 21-6, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, kết thúc chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ ba.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-luan-ve-du-an-luat-thuy-san-sua-doi-510461