Thảo luận về hai dự án luật

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về hai dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam.

Trình bày Báo cáo tóm tắt về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo luật bổ sung hai chính sách mới. Theo đó, không thu học phí đối với trẻ mầm non năm tuổi, học sinh THCS trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, nhất là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ Trung cấp Sư phạm lên Cao đẳng Sư phạm. Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban TVQH cho rằng, dự thảo sửa đổi lần này có nhiều chính sách mới, phạm vi rộng, do vậy băn khoăn khi thực hiện thì ngân sách liệu có bảo đảm không? Do vậy, các đại biểu đề nghị đối với những chính sách mới có liên quan tài chính, ngân sách nhà nước, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình nhất định.

Tại phiên thảo luận, nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm được các đại biểu đặt ra. Thảo luận Ðiều 29 dự thảo quy định: mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập, Phó Chủ tịch QH Ðỗ Bá Tỵ cho rằng, cần có sự thống nhất trong cả nước, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện của giáo dục, tránh tiêu cực. Về chương trình giáo dục, Phó Chủ tịch QH đề nghị nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình phổ thông, tránh gây áp lực cho học sinh.

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với chương trình giáo dục hiện nay, học sinh phải học quá nhiều, không có thời gian nghỉ hè nhưng lượng kiến thức thu được rất ít. Việc sửa đổi Luật Giáo dục có quá nhiều vấn đề cần phải bàn luận kỹ. Ðề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tiếp tục thẩm tra, giám sát về chất lượng giáo dục, chương trình và sách giáo khoa với tinh thần trách nhiệm cao đối với thế hệ tương lai đất nước.

Giải trình về nội dung thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định giáo dục luôn cần đổi mới. Mỗi khi tiến hành đổi mới phải có thử nghiệm, thực nghiệm. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vài năm tới. Phó Thủ tướng cho biết, việc tranh luận vừa qua về tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có ý kiến chính thức. Ðây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu, lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, những hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật, năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Ðồng thời, chỉnh sửa nội dung về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ, cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình, yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ.

Ðồng tình với báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần minh bạch thiết chế thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học; cơ chế, chính sách để thực hiện quyền tự chủ được thực hiện như thế nào? Cần làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường với nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Ban Giám hiệu nhà trường, Hiệu trưởng...

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về hai nội dung: báo cáo công tác năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước; Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên hợp quốc (LHQ) về đóng góp nguồn lực tới Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại QH Nam Xu-đăng.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37599902-thao-luan-ve-hai-du-an-luat.html