Thảo luận về kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước

Tiếp tục kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, ngày 29-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Không còn tình trạng quyết định dự án tùy tiện!

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu: Trần Đăng Ninh (Đoàn Hòa Bình), Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ), Thích Bảo Nghiêm, Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang)... bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về tài chính ngân sách trong thời gian qua. Công tác quản lý thu chi ngân sách nhà nước cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn. Các chỉ số tài chính tiền tệ vĩ mô ổn định và độ tin cậy cao.

Bên cạnh những mặt tích cực, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) nhận định, năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21%. Nợ đọng thuế lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn còn chậm, một số dự án bị chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn… Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát việc thu nội địa không đạt dự toán nhằm tăng thu, bảo đảm nhiệm vụ chi.

Về ngân sách nhà nước thời gian tới, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) đề xuất 3 giải pháp. Trước hết, cần kiên quyết thu hồi khoản chi sai mục đích, sai đối tượng, không giải ngân được; những khoản chi bị thanh tra, kiểm toán nhà nước yêu cầu thu hồi hoặc xử lý giảm chi. Có biện pháp, phương thức kiểm kê phân loại, quản lý tập trung, khai thác đưa vào sử dụng các tài sản công, các công trình đầu tư từ vốn nhà nước và tăng cường kỷ luật ngân sách…

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm xây dựng ban hành chương trình tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng danh mục chi riêng về vấn đề này để bảo đảm kinh phí thường xuyên.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể tập trung giải đáp vào hai dự án trọng điểm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Sân bay quốc tế Long Thành được cử tri đặc biệt quan tâm. Hai dự án này, dù đã được bố trí kinh phí, nhưng hiện vẫn chưa sử dụng được.

Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tham gia giải trình trước Quốc hội nhằm làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu nêu. Đáng chú ý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện điều hành kiểm soát lạm phát. Qua đó, giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp: Năm 2016 là 1,83%; năm 2017 là 1,14% và 9 tháng năm 2018 là 1,41%; tạo dư địa cho các bộ, ngành điều hành quản lý giá. Trong điều hành vĩ mô, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết lượng tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước bảo đảm ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất, không gây sức ép lên thị trường tiền tệ và lạm phát, qua đó đạt hiệu quả cao trong giữ ổn định các nền tảng vĩ mô…

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thực hiện mục tiêu cơ cấu ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 đã đạt được kết quả khá tích cực, một số chỉ tiêu đạt trước thời hạn. Số thu ngân sách 3 năm qua đã vượt dự toán khoảng 54-55% kế hoạch, tăng trưởng GDP đạt trên 53-54% kế hoạch 5 năm. Trong 3 năm trở lại đây, thu ngân sách đều tích lũy cho đầu tư phát triển, bội chi ngân sách cũng được kiểm soát chặt chẽ cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Việc thanh toán nợ công luôn được bố trí, sắp xếp đầy đủ, nhờ vậy tốc độ tăng nợ công giảm gần một nửa, từ 18% giai đoạn 2011-2015, chỉ còn 9,6% vào 3 năm 2016-2018. Điều này góp phần giúp nợ công giảm từ 63,7% GDP vào năm 2016 xuống còn 61,4% vào năm 2018 và dự kiến xuống 61,3% vào năm 2019; 60,8% vào năm 2020.

Tổng hợp trong ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ sáu, đã có 42 đại biểu phát biểu thảo luận, 4 đại biểu tranh luận và 4 thành viên Chính phủ giải trình. Theo chương trình làm việc hôm nay, 30-10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí sẽ trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội...

Thảo luận về kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/917146/thao-luan-ve-ke-hoach-tai-chinh-ngan-sach-nha-nuoc