Thảo luận về tình hình thi hành Hiến pháp; luật, nghị quyết của Quốc hội

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (QH).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh cho biết, theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 là bốn dự án; còn lại 17 dự án chưa đưa vào chương trình. Trong đó, so với thời hạn dự kiến, hai dự án quá hạn bốn năm, hai dự án quá hạn ba năm, chín dự án quá hạn hai năm. Ðáng chú ý, số văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực còn nợ chưa ban hành là 12 trong số 152 văn bản.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như chất lượng của một số văn bản ban hành thời gian qua... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật khá quan trọng nhưng chưa được ban hành; chất lượng một số dự án luật chưa bảo đảm cả về chuẩn bị, nội dung, thời gian khi trình...; đánh giá tác động của nhiều dự án luật còn hình thức. Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một bất cập lớn hiện nay là hệ thống pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, còn nhiều vấn đề tồn tại là do sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa cao. Khi đề xuất dự án luật, bộ, ngành nào cũng đưa ra những vấn đề có lợi cho quản lý, điều hành chỉ đạo của bộ, ngành đó, thiếu quan tâm tới tổng thể chung. Một số đại biểu đề nghị cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong quá trình chỉ đạo, điều hành xây dựng, thực hiện triển khai luật.

Về nội dung Chính phủ kiến nghị tổng kết 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết 718, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết triển khai thi hành Hiến pháp cho giai đoạn 2020- 2025, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, việc tổng kết thi hành Nghị quyết 718 không thể thực hiện độc lập mà cần gắn với việc tổng kết 5 năm thi hành Hiến pháp, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 64/2013/QH13 của QH quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Việc có ban hành Nghị quyết mới hay không sẽ căn cứ cụ thể vào kết quả tổng kết.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Về mở rộng phạm vi sửa đổi và sửa đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật Thi hành án hình sự (THAHS) (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ do dự thảo luật sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật theo quy định, các đại biểu đề nghị Chính phủ phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề như: tổng kết thực tiễn thi hành toàn diện, đầy đủ hơn; đánh giá kỹ tác động nhiều chính sách mới (như việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại, về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp); hoàn thiện tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Thảo luận về việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân, nhiều ý kiến không tán thành quy định này vì mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân. Cho ý kiến về quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp, các ý kiến cho rằng về nguyên tắc, quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp, đề nghị các luật chuyên ngành cần cụ thể hóa các quyền này. Tuy nhiên, đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị hạn chế quyền tự do đi lại, bị cách ly khỏi xã hội nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội. Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu nhất (như quyền bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể; quyền bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp gia đình; quyền lao động, học tập, học nghề...) cần bảo đảm thực hiện tốt.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đây là lần đầu, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS, còn rất nhiều ý kiến khác nhau về một số điều sửa đổi, bổ sung trong dự án. Do vậy, Phó Chủ tịch QH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật liên quan quyền con người, quyền công dân; nghiên cứu, thu thập ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan và các chuyên gia, tham khảo chọn lọc quy định về thi hành án phạt tù trên thế giới, qua đó hoàn thiện lại các điều, khoản quy định về quyền và nghĩa vụ đối với phạm nhân. Ngoài các vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc rà soát các quy định nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37612802-thao-luan-ve-tinh-hinh-thi-hanh-hien-phap-luat-nghi-quyet-cua-quoc-hoi.html