Thắp điện đào vàng trái phép

SGTT.VN - Gần 30km chiều dài của con sông Bắc Giang chảy qua địa phận hai huyện Na Rì và Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đang bị các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép ngày đêm đào bới. Ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị phá hủy, băm nát… cùng một loạt hệ lụy theo phản ứng dây chuyền đang khiến chính quyền tỉnh Bắc Kạn đau đầu!

Điểm khai thác cát sỏi và vàng sa khoáng tại xã Lạng San (huyện Na Rì). Ảnh: Trung Dũng

Gần 30km chiều dài của con sông Bắc Giang chảy qua địa phận hai huyện Na Rì và Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đang bị các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép ngày đêm đào bới. Ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị phá hủy, băm nát… cùng một loạt hệ lụy theo phản ứng dây chuyền đang khiến chính quyền tỉnh Bắc Kạn đau đầu!

Khai thác vàng trái phép vốn là “câu chuyện cũ” ở địa phương trong suốt một thời gian dài về trước, nhưng chưa bao giờ “nóng” như thời điểm hiện tại. Dọc con sông Bắc Giang có hàng chục điểm khai thác vàng sa khoáng trái phép cùng ồ ạt hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, các đối tượng khai thác vàng trái phép chỉ hoạt động về đêm, còn ban ngày án binh bất động.

Chúng tôi đã được chứng kiến toàn cảnh việc khai thác vàng trái phép ở khu vực này vào đêm 10.11.2011.

Quốc lộ 3B, dài gần 30km, dẫn đến hai huyện Ngân Sơn, Na Rì chạy song song với con sông Bắc Giang về đêm tối như mực, chỉ có gió núi và sương đêm thốc lạnh. Một chiếc xe máy bí mật bám theo xe của chúng tôi và kiên nhẫn “đồng hành” suốt một quãng đường khá dài, có lúc vọt lên phía trước rồi mau chóng khuất vào một ngách cua, có lúc rì rì chạy đằng sau. Anh bạn dẫn đường là người bản địa cho biết, đó là đội “chim lợn” có nhiệm vụ cảnh giới. Tất cả những sự việc lạ xuất hiện ở cung đường này đều được kiểm soát, sau đó sẽ báo về “hậu phương”. Đây là một trong những biện pháp đối phó với lực lượng chức năng của đội quân khai thác vàng trái phép trên sông Bắc Giang khá hữu hiệu, bởi rất nhiều lần lực lượng chức năng tiến hành vây bắt tại chỗ, nhưng khi xuống đến nơi chỉ còn “vườn không nhà trống”.

Đến địa phận các xã Thuần Mang (huyện Ngân Sơn), Lạng San, Lương Thượng (huyện Na Rì), chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng máy nổ khi xa khi gần. Đó là tiếng máy từ những công trường khai thác vàng trái phép.

Trong đêm, cảnh tượng thực sự sống động và… kinh hoàng: những bóng điện sáng quắc, chừng 200W, được treo tòn ten trên những cây sào đẩy lùi một khoảng đêm đen kín mít. Khu vực này nằm trên đoạn sông giáp ranh giữa xã Lạng San và Lương Thượng (huyện Na Rì). Khoảng chục lao động đang mải miết vận hành máy xúc, vận hành hệ thống sàng tuyển… Ba, bốn chiếc máy xúc hì hục thúc gầu múc xuống dưới lòng sông, sau đó khéo léo đổ những gầu đất lên chiếc phễu lớn của hệ thống sàng tuyển. Vàng sa khoáng được giữ lại dưới lớp thảm hứng ở dưới cùng chiếc sàng rung. Tiếng máy nổ chát chúa. Những người công nhân có lẽ đang tập trung vào công việc nên không biết đến sự có mặt của chúng tôi. Từ nhiều đêm nay, những điểm khai thác vàng trái phép này thi nhau mọc lên dọc sông Bắc Giang, sử dụng phương tiện máy xúc, máy nổ hiện đại chứ không khai thác bằng tàu cuốc hay phương pháp thủ công.

Chạy thêm một đoạn đường, chúng tôi gặp thêm 4 – 5 điểm khai thác tương tự, khá xa khu dân cư. Một điểm khai thác tại xã Lương Thượng có tên Nà Láng quy mô khá lớn đang hối hả làm việc với bảy máy xúc, hàng chục chiếc xe chở đất cùng hệ thống máy sàng “bốn cửa”.

Buổi sáng ngày 11.11, khi quay trở lại địa điểm này, chúng tôi được một người dân tên Nguyễn Công Tiệu (bản Nà Làng, xã Lương Thượng) sống ngay phía trước công trường cho biết: mỏ vàng trên thuộc công ty Hùng Dũng Hamico – một doanh nghiệp khai khoáng lớn ở Bắc Kạn. Doanh nghiệp này từ nhiều tháng nay luôn khai thác cả ngày lẫn đêm, làm cuộc sống của người dân sở tại xáo trộn, nhưng không ai dám làm gì!?

Thắp điện khai thác vàng cả đêm ven sông Bắc Giang (địa bàn xã Lương Thượng, huyện Na Rì). Ảnh: Trung Dũng

Trong một công văn của UBND tỉnh Bắc Kạn (ngày 26.10.2011) gửi các sở, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn đã thừa nhận: trong thời gian từ tháng 9.2011 trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép có chiều hướng diễn biến phức tạp, hoạt động khai thác trái phép diễn ra công khai, thách thức chính quyền địa phương.

Các điểm “nóng” nhất thuộc một loạt các xã Cốc Đán, Thượng Quang, Vân Tùng, Hương Nê (huyện Ngân Sơn), thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng (huyện Na Rì); xã Yên Hân (huyện Chợ Mới)…

Chủ tịch xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, ông Đào Việt Hưng, thành thật: việc người dân “bắt tay” với vàng tặc là chuyện có thật. Dân địa phương “góp vốn” bằng đất với các chủ khai thác, ăn chia theo tỷ lệ 50 – 50. Chủ yếu là đất nông nghiệp, đất soi bãi ven sông Bắc Giang. Ông Hưng nói: “Người dân cho rằng, khoáng sản có trên đất đai của họ, và đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ có quyền khai thác. Khai thác xong tự họ san ủi mặt bằng để canh tác trở lại…”

Tình trạng này cũng diễn ra tại huyện Na Rì. Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Na Rì, ông Nguyễn Văn Lai, thừa nhận: Ở Bắc Kạn, vàng sa khoáng có ở khắp mọi nơi. Doanh nghiệp khai thác cát cũng thu được cả vàng, nên nếu không cho phép doanh nghiệp được khai thác vàng thì rất lãng phí tài nguyên. Vì điều đó, huyện cũng đề nghị lên tỉnh cho phép các doanh nghiệp được khai thác vàng song song với khai thác cát.

“Nhiều hộ dân bắt tay với “vàng tặc” với tỷ lệ ăn chia 50 – 50. Có những hộ nếu trúng vỉa, sau một đêm có cả tỉ đồng. Mà nếu không “góp” kiểu đó, họ cũng không giữ được đất ruộng vì dân khai thác trái phép múc trộm về đêm”, ông Lai cho biết.

Chỉ riêng trong tháng 10.2011, UBND huyện Na Rì đã tịch thu 14 máy nổ Đông Phong và sên hút, vòi xả và các vật dụng khai thác vàng trái phép tại các xã Lương Thượng, Liên Thủy, Lạng San, Lương Thành; trục xuất hai nhóm tập kết máy móc phương tiện chuẩn bị khai thác trái phép tại Khuổi Cáy (xã Đồng Xá) và Phiêng Khoảng, Hợp Thành (xã Lam Sơn); giải tỏa các điểm khai thác trái phép tại Bó Vý, Khuổi Nộc (xã Lương Thượng) và Lạng San. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền sở tại cũng chỉ làm “giảm nóng” phần nào. Và người dân sống dọc sông Bắc Giang của huyện Na Rì, Ngân Sơn vẫn phải “chung sống” với vàng tặc, mà cách “tích cực” nhất của họ là bắt tay với những kẻ đang phá hủy môi trường sống của mình để gỡ gạc lại một phần mất mát.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Du, lý giải: “Thực trạng khai thác trái phép vàng sa khoáng trên địa bàn huyện Na Rì, Ngân Sơn thời gian qua có nguyên nhân do giá vàng tăng quá cao tạo “sức hút” cho các đối tượng khai thác trái phép. Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan, cũng như áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý, cưỡng chế, giải tỏa các điểm khai thác trái phép, tịch thu các phương tiện… UBND tỉnh Bắc Kạn vừa thành lập tổ công tác lưu động do phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường làm đội trưởng. Tổ công tác này được giao cho nhiều đặc quyền trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép. Trong trường hợp cần thiết, tổ cũng được phép lập biên bản để kiến nghị xử lý chính quyền cơ sở để ra sai phạm do năng lực, trách nhiệm quản lý…”

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Du, lý giải: “Thực trạng khai thác trái phép vàng sa khoáng trên địa bàn huyện Na Rì, Ngân Sơn thời gian qua có nguyên nhân do giá vàng tăng quá cao tạo “sức hút” cho các đối tượng khai thác trái phép. Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan, cũng như áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý, cưỡng chế, giải tỏa các điểm khai thác trái phép, tịch thu các phương tiện… UBND tỉnh Bắc Kạn vừa thành lập tổ công tác lưu động do phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường làm đội trưởng. Tổ công tác này được giao cho nhiều đặc quyền trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép. Trong trường hợp cần thiết, tổ cũng được phép lập biên bản để kiến nghị xử lý chính quyền cơ sở để ra sai phạm do năng lực, trách nhiệm quản lý…”

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/155705/thap-dien-dao-vang-trai-phep.html