Thập kỷ nhiều thay đổi của công nghiệp phim ảnh

Ngành công nghiệp phim ảnh thập kỷ qua có nhiều biến động và chưa có dấu hiệu lắng xuống - đó là nhận định của Nicholas Barber, cây bút danh tiếng của BBC Culture, The Guardian, New York Times, The Economist...

Trong bài viết “Những năm 2010: Một thập kỷ thay đổi ngành điện ảnh mãi mãi”, Nicholas Barber điểm lại những xu hướng nổi bật làm thay đổi hướng phát triển của nền công nghiệp điện ảnh. Barber nhấn mạnh về Disney và gọi giai đoạn 2010-2019 là “Thập kỷ của Disney”. Hãng đã không chỉ mở rộng lĩnh vực sản xuất, mà còn xây dựng Vũ trụ điện ảnh Marvel hoàn toàn mới với công nghệ hiện đại từ CGI, AI... Công nghệ tối tân này được áp dụng trong các phim siêu anh hùng và làm mới những tác phẩm kinh điển của Disney như “The Lion King”, “Jungle Book”, “Dumbo”…

Đa dạng sắc tộc, nữ quyền, công nghệ hiện đại là những điểm nổi bật của ngành công nghiệp điện ảnh thập kỷ qua.

Đa dạng sắc tộc, nữ quyền, công nghệ hiện đại là những điểm nổi bật của ngành công nghiệp điện ảnh thập kỷ qua.

Một xu hướng nổi bật khác là nữ quyền lên ngôi. Năm 2015, Patty Jenkins ký hợp đồng chỉ đạo “Wonder Woman” và trở thành đạo diễn nữ đầu tiên thực hiện phim siêu anh hùng về nữ chiến binh, đem về doanh thu trên 821 triệu USD. Kể từ đó, đạo diễn nữ đảm trách các phim siêu anh hùng nhanh trở thành xu hướng được chấp nhận: Anna Boden đồng đạo diễn “Captain Marvel”, Cate Shortland thực hiện “Black Widow”, Cathy Yan làm “Birds of Prey”, hay Chloe Zhao chỉ đạo “The Eternals”… Nữ quyền còn được thể hiện mạnh mẽ trong các tác phẩm mà Disney tiên phong (ở mảng hoạt hình) với hàng loạt thành công: “Maleficent”, “Frozen”, “Moana”…

Ngành công nghiệp điện ảnh cũng đa dạng hơn về sắc tộc, nhất là sau những chỉ trích các dự án phim chọn diễn viên sai màu da, không đúng bản địa (“Exodus: Gods and Kings”, “Ghost in the Shell”…). Đơn cử như “Moonlight” thắng giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar 2017; hay các đạo diễn người Mexico, châu Á cũng ngày càng trở nên quen mặt hơn ở Oscar. Nội dung sắc tộc cũng được phản ánh phổ biến, đa chiều hơn trong: “12 Years a Slave”, “The Help”, “Django Unchained”, “Selma”, “Green Book”, “BlacKkKlansman”… Thậm chí, ở thể loại phim anh hùng, hành động cũng có sự xuất hiện thường xuyên của các anh hùng da màu, như: “Creed”, “Black Panther”, “Spider-Man: Into The Spider-Verse”…

Nicholas Barber cũng nhìn nhận đây là giai đoạn mà nền tảng dịch vụ trực tuyến có tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp điện ảnh. Sự trỗi dậy của Netflix đã làm dấy nên nhiều tranh cãi và cũng làm thay đổi diện mạo, luật lệ, xu hướng của ngành điện ảnh. Bằng chứng là sau Netflix thì nhiều “ông lớn” trong ngành điện ảnh, công nghệ cũng đầu tư, với sự ra đời của Disney+, Apple TV+…

BẢO LAM (BBC, Nytimes)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thap-ky-nhieu-thay-doi-cua-cong-nghiep-phim-anh-a117132.html