Thắp lên hy vọng cho người nghèo

Nỗ lực triển khai các chương trình vì cộng đồng của CEP đã tạo động lực vươn lên cho nhiều người lao động khó khăn sau đại dịch

Sau những trạm dừng tại TP HCM, chuyến xe "CEP chia sẻ yêu thương - Cùng công nhân (CN) và người lao động (NLĐ) vượt khó do Covid" mà Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) thực hiện đã đến tỉnh Long An để tiếp sức các thành viên khó khăn tại đây. Chương trình đã đem đến những niềm vui bất ngờ cho 91 lao động nghèo, với số tiền trên 305 triệu đồng.

Phần quà "trong mơ"

Là thành viên khó khăn nhất tại Chi nhánh Tân An được CEP giúp đỡ trong đợt này, bà Nguyễn Thị Tuyết xúc động không nói nên lời. Nhiều năm qua, cuộc sống của bà rơi vào bế tắc bởi cả chồng và 3 người con đều mắc bệnh tâm thần, không thể làm việc.

Bà Tuyết gặp người bạn đời của mình qua sự giới thiệu của người quen. Vì chưa từng biết nhau trước đó nên bà không rõ ông bị bệnh, chỉ thấy thương sự hiền lành, chất phác của ông. Cưới nhau về, bà mới biết đến căn bệnh của chồng, khi đó đã có những chuyển biến xấu.

Ba người con gái của bà Tuyết lần lượt chào đời và đều mắc căn bệnh giống cha. Các con của bà lớn lên, lập gia đình, sinh con nhưng rồi đều bị chồng bỏ rơi, phải về sống nhờ mẹ.

Vì vậy, gần 60 tuổi, bà Tuyết vẫn phải một mình bươn chải để lo cho cả gia đình. Buổi sáng, bà phụ bán quán ăn. Xong việc này, ai thuê gì bà làm nấy, từ dọn dẹp đến rửa chén, nấu ăn. Tối đến, bà lại cặm cụi một mình làm đậu hũ để bán cho khách quen.

Công nhân khó khăn được nhận vốn vay từ Chi nhánh CEP Tân An

Công nhân khó khăn được nhận vốn vay từ Chi nhánh CEP Tân An

Vất vả là thế nhưng mỗi tháng, bà Tuyết cũng chỉ kiếm được 6-7 triệu đồng. Khoản tiền ấy chẳng thấm vào đâu so với chi phí thuốc thang cho chồng con, sinh hoạt trong nhà. Dù cố gắng tằn tiện nhưng 10 năm qua, bà không dám sắm cho mình một bộ đồ mới, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Những lúc chồng và con nhập viện, bà chạy vạy vay mượn khắp nơi, rồi trở thành nạn nhân của tín dụng đen khiến cuộc sống vốn đã khó càng thêm kiệt quệ.

"Nhiều hôm đi làm, tôi phải bỏ việc về giữa chừng để tìm chồng vì ông ấy hay đi lạc. Nhà cửa thì dột nát, nhiều đêm mưa to, cả nhà ngồi co ro trên giường. Lắm lúc tôi tuyệt vọng, muốn buông xuôi nhưng thương chồng, thương con cháu nên tiếp tục gắng gượng. Điều an ủi duy nhất là dù biết tôi nợ nần nhưng hơn 10 năm qua, CEP vẫn sẵn lòng hỗ trợ hết mình, nhất là lúc dịch bệnh không thể đi làm" - bà Tuyết tâm sự.

Chia sẻ với khó khăn của bà Tuyết, đợt này, CEP đã hỗ trợ 89,5 triệu đồng, chủ yếu để thanh toán các khoản nợ, sửa lại mái nhà dột nát, mua máy xay đậu nành, tặng học bổng cho đứa cháu ngoại cùng một khoản tiết kiệm dự phòng. Nhận phần quà "trong mơ", bà Tuyết rưng rưng nước mắt.

"Giá như tôi biết CEP sớm hơn..."

Ngoài phần quà đặc biệt dành cho người khó khăn nhất, chuyến xe nghĩa tình của CEP còn đem lại nhiều niềm vui cho các thành viên khác và con em họ, thông qua những phần quà là nhu yếu phẩm, học bổng, BHYT, hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở…

Bà Nguyễn Thị Để (bán vé số; ngụ tại xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An) là một trong số đó. Đợt này, bà được CEP hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa lại nhà cửa. Hay tin, bà tranh thủ đến từ sớm dù đang bị đau mắt.

Từ ngày chồng mất, bà Để quyết định ở vậy nuôi con. Không nghề nghiệp ổn định, hằng ngày, bà lặn lội khắp nơi bán vé số kiếm sống và nuôi con ăn học. Thu nhập eo hẹp nên nhiều năm qua, bà không có điều kiện sửa chữa lại căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, cứ mưa lớn là ngập.

Lúc khó khăn nhất không thể đi làm do dịch bệnh, tưởng phải vay "tín dụng đen" thì bà Để được giới thiệu đến CEP. "Chỉ mới vay CEP 1 lần nhưng đợt này, tôi lại được CEP hỗ trợ sửa lại nhà. Đến giờ tôi vẫn không dám tin. Giá như tôi biết đến CEP sớm hơn…" - bà Để bộc bạch.

Trong số 91 trường hợp được chăm lo đợt này, bên cạnh các lao động tự do còn có những CN khó khăn đang làm việc tại Long An, được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Đơn cử như bà Phan Thị Mỹ Châu, CN Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Chi nhánh Tân An).

Bà Châu làm việc tại công ty được 8 năm với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, còn chồng là lao động tự do. Đợt dịch vừa qua, 2 người con của bà làm CN tại TP HCM bị mất việc, không có thu nhập. Trong hoàn cảnh ấy, vợ chồng bà tìm đến CEP để vay vốn hỗ trợ các con cầm cự qua đợt dịch.

"Tôi chọn CEP vì thủ tục vay và trả phù hợp, lãi thấp. CEP lại có nhiều chương trình hỗ trợ thành viên, như trường hợp của tôi trong đợt này" - bà Châu cho biết.

“Dịch bệnh đã khiến rất nhiều NLĐ rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Trong bối cảnh đó, các hoạt động của CEP trở nên vô cùng ý nghĩa. Không chỉ hỗ trợ vốn cho NLĐ, CEP còn triển khai các chương trình vì cộng đồng, giúp họ vượt khó, ổn định cuộc sống” - bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An, nhìn nhận.

Bài và ảnh: THANH NGA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/thap-len-hy-vong-cho-nguoi-ngheo-20220625193130192.htm