Thắp lửa yêu thương, dưỡng tình yêu nghề

Hơn 33 năm gắn bó với nghề ở nhiều cương vị công tác, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Vũ Liên Oanh chia sẻ kinh nghiệm để được đồng nghiệp tin tưởng, học sinh yêu quý, mỗi thầy cô luôn thắp trong mình ngọn lửa yêu thương, bồi đắp tình yêu với nghề.

NGƯT Vũ Liên Oanh kiểm tra công tác đổi mới thi kiểm tra tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt.

NGƯT Vũ Liên Oanh kiểm tra công tác đổi mới thi kiểm tra tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt.

Làm tốt công tác tham mưu

- Quảng Ninh có những vùng dân tộc, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Ở vị trí Giám đốc Sở GD&ĐT, chị làm gì để vực dậy chất lượng GD vùng này?

- Quảng Ninh là một tỉnh vừa có thuận lợi vừa có khó khăn. Đây là điều giúp chúng tôi chủ động trong nhìn nhận đánh giá để đề ra các phương hướng thực hiện sao cho hiệu quả, tốt nhất cho HS và nhà trường. Tập thể Ban Giám đốc, Công đoàn ngành GD đã đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện để đưa các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và Bộ GD&ĐT vào thực tế GD. Trong đó có việc nâng cao chất lượng GD ở các huyện thị và thành phố, đặc biệt là các vùng khó về GD như vùng dân tộc, miền núi và hải đảo.

Có thể khẳng định, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tham mưu chủ động, sáng tạo của ngành GD-ĐT, quan tâm phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, HS trong các cơ sở GD, sự đóng góp của nhân dân và cả hệ thống chính trị, công tác GD của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc.

Ngành GD Quảng Ninh luôn hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, vừa có thành tích mũi nhọn ở các cuộc thi HS giỏi quốc gia, quốc tế, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu - xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

- Hiểu về giáo dục và đời sống giáo chức của mình, ngành GD-ĐT tham mưu như thế nào để tỉnh Quảng Ninh có những chính sách hỗ trợ cho đối tượng đặc biệt?

- Chúng tôi đã tham mưu với tỉnh thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ tiền ăn cho HS tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú tại các cơ sở GD mầm non, GD tiểu học ở các xã trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu với tỉnh ban hành Đề án Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ trong các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đặc biệt là các chính sách đối với HS dân tộc ở các xã vùng cao, vùng khó khăn đã mở rộng loại hình trường, lớp bán trú dân nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường.

Chúng tôi cũng tham mưu với tỉnh để ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh về việc Quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Hạ Long và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế từ năm học 2016 - 2017 đến hết năm học 2020 - 2022. Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã và đang là động lực để GD Quảng Ninh tiếp tục gặt hái những thành quả cao hơn.

Tin tưởng vào tương lai

- Chị thấy những năm tháng qua mình đã làm được gì và mong muốn gì cho tương lai?

- Những người làm GD như chúng tôi rất vui khi kết quả GD các mặt của tỉnh Quảng Ninh đã cải thiện đáng kể. Quảng Ninh lần thứ hai có học sinh đoạt Vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia. Sau nhiều năm vắng bóng HS giỏi tại các kỳ thi Olympic quốc tế, Quảng Ninh lại có giải cao. Mới đây nhất là 2 HS Trường THPT chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế INOVA.

Đây là niềm vui không chỉ với ngành GD, nhà trường, mà còn là niềm tin vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh. Đặc biệt là các thầy cô giáo không chỉ là người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, mà ở nhiều nơi còn đảm trách cả vai trò người cha, người mẹ.

Tôi nghĩ GD có tính kế thừa, những thành quả của ngày hôm nay cũng là công sức của nhiều năm tháng trước đây. Cũng như trồng cây đến ngày hái quả, GD Quảng Ninh sẽ còn gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa. Điều tôi còn trăn trở là vấn đề biên chế GV. Tôi đã từng có ý kiến về việc tinh giản biên chế là việc cần thiết, tuy nhiên ngành GD có đặc thù rất riêng, không thể giảm biên chế một cách cơ học được.

Có địa phương do giảm biên chế dẫn đến phải tăng số lượng HS/lớp. Rồi việc dồn ghép các điểm trường, đành rằng sẽ giảm được biên chế nhưng cũng phải tính đến việc ảnh hưởng đến huy động HS ra lớp khi các điểm lẻ ở vùng cao, khu vực có đông người dân tộc thiểu số. Trước đây, chúng ta mở điểm trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các em đi học thì nay thực hiện dồn điểm trường, học sinh phải đi xa hơn, sẽ rất vất vả cho các thầy cô trong việc vận động HS ra lớp, phụ huynh đưa đón con. Do đó, việc sáp nhập trường, dồn điểm lẻ là cần thiết để tập trung đầu tư nhưng cần tính đến đặc trưng vùng miền, tập quán địa phương…

- Xin cảm ơn chị!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/thap-lua-yeu-thuong-duong-tinh-yeu-nghe-4050522-b.html