Tháp những mô hình thế giới

Cấu trúc biểu nghĩa của hình tượng tháp trước nay có thể quy về mấy ý thống nhất sau: hướng lên trời cao, nhiều tầng, biểu hiện một sự chiếm lĩnh không gian, ký thác một khát vọng nào đấy... Trong từ vựng nhiều ngôn ngữ, tháp gần gũi với 'cây vũ trụ', 'cây thế giới', 'cây linh hồn', 'trụ', 'thang'...

Thực ra biểu tượng nào, nhất là các biểu tượng nguyên thủy (mẫu gốc) cũng là một mô hình về thế giới, nên bài viết lẽ ra phải có tên là “Tháp – Những mô hình thế giới của những khát vọng mãnh liệt”!

Quần thể di tích Angkor.

Quần thể di tích Angkor.

Khát vọng có ở bất cứ ai, bất cứ thời nào. Đó là một biểu hiện nhân tính rõ nhất về sự thay đổi, sự vươn lên. Không còn khát vọng tức sự sống dừng lại. Càng từ thời xa xưa, hình tượng tháp càng mang một biểu hiện tập trung, một sự mã hóa của thế giới tinh thần con người. Thế nên hầu như dân tộc/tôn giáo nào cũng có biểu tượng tháp.

Sách “Sáng thế” kể lại câu chuyện về tháp Babel (còn gọi là Babylon). Sau trận Đại hồng thủy, con người (hậu duệ của Noah) theo thuyền dạt về phía Đông rồi định cư ở vùng đất có tên Shinar. Lúc bấy giờ, con người còn dùng chung một ngôn ngữ. Họ bàn nhau định dựng nên một ngọn tháp thật cao lớn làm biểu tượng cho loài người lấy tên là tháp Babel. Ngọn tháp này sẽ đưa người lên tới Thiên đàng. Con người sẽ hạnh phúc, sẽ bất tử. Biết được ý đồ ấy Chúa Trời bèn bắt mỗi nhóm/tộc người nói theo một thứ tiếng khác nhau. Ngôn ngữ là công cụ cơ bản của giao tiếp. Mà có giao tiếp mới có sự sống, mới có thể trao đổi, bàn bạc... Thế nên kế hoạch xây tháp Babel bị phá sản!

Ngày nay nhiều chứng cứ khảo cổ học khẳng định câu chuyện trên ít nhiều có thật. Điều ấy không quan trọng bởi hình tượng này đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại và trở thành một biểu tượng về khát vọng lớn lao chinh phục không gian của con người. Ngày nay ai cũng thấy tháp chuông nhà thờ Công giáo luôn phải cao nhất, như muốn vươn vào trời xanh để đem tiếng chuông thỉnh cầu gửi tới Nước Thiên Đàng. Đó chẳng phải là một khát vọng rất đẹp hướng con người tới cái cao cả đó sao?

Đấy còn là một ngụ ngôn vĩ đại với các lời răn: đối với con người quan trọng nhất là đường đi, không có đường thì không bao giờ đến đích. Con người vĩnh viễn không lên được Thiên Đàng vì tháp (đường) bị dừng lại; càng làm việc lớn càng phải hiểu nhau để đoàn kết. Không hiểu nhau nên tháp Babel không thể tiếp tục; “Khởi thủy là Lời”. Kinh Thánh dạy như vậy. Câu chuyện này có lẽ minh họa cho chân lý ấy. Phải có “lời/nhời” với nhau, tức phải giao tiếp, phải quan hệ, phải thấu hiểu để thấu cảm... thì mới có thể cùng nhau, ngày nay gọi là “đối thoại văn hóa”...

Với Phật giáo thì chùa đi liền với tháp. Tháp, tiếng Phạn làstupa có nghĩa là nấm mồ. Ban đầu tháp là nơi để tro thân, xá lợi của Phật rồi dần dần trở thành nơi được thờ phụng tôn kính thiêng liêng. Được thiêng hóa nên có tên gọi “bảo tháp” (“bảo” nghĩa là quý giá), là nơi cất giữ những gì quý giá như kinh Phật. Hiện nay ở Myanmar, trong ngôi chùa Kuthodaw có 729 tháp (gọi là pitaka), mỗi tháp chứa một bia đá khắc một trang kinh của bộ kinh Phật. Theo thời gian các lớp ý nghĩa càng dày thêm bao bọc mẫu gốc.

Theo các sách về kiến trúc Phật giáo thì vòm tháp biểu tượng cho vòm hư không, vòm trời, Thượng Thế. Đế tháp vuông biểu tượng cho cõi giữa trần gian, Trung Thế và phần hầm biểu tượng cho Hạ Thế. Trục tung thẳng đứng của tháp là biểu tượng Cây Vũ Trụ/Cây Tam Thế/Cây Đời Sống. Bốn mặt tháp và cửa tháp ứng với bốn phương trời biểu tượng cho “tứ tượng”. Chỏm tháp biểu tượng cho đỉnh vũ trụ. Lịch sử kiến trúc Phật giáo cho biết tháp cổ nhất (khoảng hơn 2000 năm) hiện còn phế tích ở Madhya Pradesh có hình vòm cầu tròn mang dáng dấp một ngôi mộ!

Tháp Babel trong tranh thời Phục hưng!

Ở ta, vua Lý Thánh Tông (1023-1072) cho xây chùa Báo Thiên năm 1056 và dựng tháp Đại Thắng Tư Thiên năm 1057. Sách “Đại Việt sử lược” chép tháp cao 30 tầng, sách “An Nam chí lược” chép tháp cao 13 tầng. Đáng tin hơn là sách “Tang thương ngẫu lục” cho rằng tháp cao 12 tầng (vì Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là các học giả học rộng đọc nhiều, ý kiến các ông rất đáng tin). Tên chùa Báo Thiên có ý nghĩa gì? Có thể hiểu là báo đáp ân đức của chư Thiên (!?). “Đại Thắng Tư Thiên” có thể hiểu là nhận lấy sự suy tư lớn của chư Thiên (!?). Đó chẳng phải là khát vọng mong muốn có sự che chở của Trời Phật đó sao!

Kim tự tháp không chỉ có ở Ai Cập mà có ở rất nhiều nơi là cách gọi chung cho các kiến trúc hình chóp có đáy hình vuông và bốn mặt bên là tam giác đều. Cách hiểu thông thường thì Kim tự tháp Ai Cập là công trình được xây dựng và sử dụng như một lăng mộ dành cho các Pharaon – các Hoàng đế vĩ đại. Sử sách để lại cho biết các nhà vua ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên họ làm sẽ là bắt đầu xây dựng kim tự tháp cho riêng mình. Kim tự tháp của các nền văn minh người Maya (châu Mỹ) được sử dụng làm nơi hiến tế (người) cho thần linh... Hầu hết các loại tháp đều là cấu trúc lăng mộ.

Có nhà nghiên cứu khẳng định bề mặt nhiều Kim tự tháp (kể cả ở Ai Cập) chính là các bậc thang để linh hồn lên trời đi vào cõi bất tử! Không chỉ người Ai Cập cổ đại mới có châm ngôn: “Trong cát bụi cuộc đời, chính là chúng ta đang ở trong cái chết, nên để đón cái sống, phải chuẩn bị thật chu đáo”. Mà hầu như có ở tất cả cư dân thời đó. Ngay người Việt xưa cũng có quan niệm sống chỉ là “tạm” (cõi tạm) còn “thác về”, tức về cõi chính...

Hình tượng tháp Chăm của ta đóng góp cho thế giới một mô hình kiến trúc đặc sắc. Tháp xây bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương. Kiến trúc tháp phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông (như bậc thang lên trời vậy!?). Các tầng tháp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông hướng Mặt Trời mọc, hướng của sự sống, sinh sôi, bên trong đặt một bệ thờ thần bằng đá. Mặt ngoài tháp được chạm khắc rất sinh động hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh...

Đất nước Chùa Tháp Campuchia có quần thể Angkor huyền bí và mời gọi. Đặc sắc đến kinh ngạc của các tháp là kỹ thuật ghép các khối đá không sử dụng chất kết dính nhưng đã bền vững cùng thời gian từ thế kỷ XII. Đền Bayon là một đền tháp ba tầng mở ra bốn hướng có 216 gương mặt cùng những nụ cười khổng lồ đầy bí ẩn cũng là những khát vọng mà đến nay con người chưa giải mã được.

Vì cùng là biểu hiện khát vọng nên thơ ca tìm đến biểu tượng tháp như một sự “đồng khí tương cầu”. Chế Lan Viên – một “thiên tài thơ ca” viết nhiều, viết hay, viết sâu sắc về biểu tượng tháp Chàm. Ông để lại bài thơ “Tháp Bayon bốn mặt”: “Anh là tháp Bayon bốn mặt/ Giấu đi ba, còn lại đấy là anh/ Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc/ Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”. Bài thơ cũng “bí ẩn” như chính hình tượng ngoài đời. Phải chăng đây là cấu trúc về phẩm tính thi nhân: phải có “bốn mặt” để quan sát/thu nhận cuộc đời nhưng phải giấu đi “ba”. Cái “mặt” còn lại phải biết “diễn” đủ trò bi hài kịch làm chính thi nhân cũng phải đau đớn, xót xa, bẽ bàng...

Đến Qui Nhơn, nhạc sỹ- thi sỹ Văn Cao làm “rơi” vào thơ ca Việt Nam hiện đại những câu thơ bất tử “Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm”… Tức những ngọn tháp ấy không phải của người mà là của Trời. Trời cho. Trời ban tặng hay Trời vô tình “đánh rơi”!? Chỉ biết là rất quý!... Ai từng qua đây mới thấy cảm nhận của Văn Cao là thật và cũng cực kỳ tinh tế, mới mẻ. Từ dưới đường đi nhìn lên, quả thật, những ngọn tháp cô đơn như từ trời cao trong vắt rơi xuống như những giọt “vàng”. Thơ ca là sự phát hiện. Bao thi nhân trước đó, nhìn thấy mà không nhận thấy...

Nhà thơ người Chăm Inrasara có bài “Tháp nắng” đặc sắc: “Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng/ Biển bên kia và tháp bên này/ Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng/ trên đồi hoang/ như dấu lặng/ phơi bày”… Điểm nhìn của Văn Cao là của người lữ khách từ dưới nhìn lên thấy tháp như “giọt”. Inrasara nhìn ngang, bao quát thấy tháp như một “dấu lặng”. Cả hai đều có liên tưởng đột xuất, độc đáo. “Tháp nắng” tức là tháp của trời đất, của vũ trụ. Nhưng tại sao lại như “dấu lặng”? “Dấu lặng” là ký hiệu thể hiện một khoảng dừng nghỉ trong bản nhạc. Các nốt nhạc phát ra âm thanh còn dấu lặng thì không. Đặt “dấu lặng” ngọn tháp Chàm vào trong không gian: “Không một bụi cây- không một làn mây/ Bao la nắng và mênh mông cát/ Âm thanh câm- thời gian vắng mặt...” càng thấy cái “dấu lặng” kia hoang vu, cô đơn làm sao. Ý thơ nhức nhối: chả lẽ quá khứ vàng son là “dấu lặng” sao?!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thap-nhung-mo-hinh-the-gioi-645115/