Thắp sáng cuộc đời trẻ tự kỷ bằng kiên nhẫn và tâm huyết

Những kỹ năng bình thường cũng là khó khăn với trẻ tự kỷ. Có thể mất vài tháng, thậm chí hàng năm để đào tạo cho các em một vài kỹ năng đơn giản.

Dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi sự sự kiên nhẫn và tâm huyết của đội ngũ giáo viên.

Dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi sự sự kiên nhẫn và tâm huyết của đội ngũ giáo viên.

Vì vậy, can thiệp trẻ tự kỷ đòi hỏi giáo viên phải có sự kiên trì, bền bỉ và hơn hết là tâm huyết với công việc.

Kỹ năng phòng tránh “vật thể lạ”

Đã hơn 10 năm, cô giáo Hồ Hải Hậu – Trưởng khoa Can thiệp trẻ tự kỷ vẫn nhớ như in những ngày mới ra trường về công tác tại đơn vị. Mặc dù được đào tạo chuyên ngành, nhưng khi bắt đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ.

Cô Hậu chia sẻ: Khi mới về trung tâm nhận lớp, ban đầu có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra. Vào một buổi sáng thường lệ các em tập trung tại sân, sau khi phổ biến nội dung học tập, tôi quay lại để đánh trống vào lớp thì một cậu học trò bất ngờ chạy lên vỗ vào mông tôi, đám học trò bên dưới bỗng chốc nhốn nháo… Mặc dù, tình huống đó cũng được các thầy cô giáo cũ nhanh chóng xử lý, tuy nhiên khi đó do còn trẻ nên tôi cũng cảm thấy bối rối và có chút ngượng ngập.

Khi vào lớp, cũng không hiếm các “vật thể lạ” như giày, dép, bút, hộp bút bay về phía giáo viên và khá trúng đích, nên thi thoảng cũng có vài vết bầm tím trên mặt… “Sau vài lần như vậy, tôi cũng đã bắt đầu có được những kỹ năng phòng, tránh hiệu quả hơn, bằng cách quan sát nhiều hơn đến biểu hiện của một số em hay có hành vi bất thường”, cô giáo Hậu vui vẻ cho biết.

Điểm khó khăn nhất trong dạy trẻ tự kỷ là các vấn đề liên quan đến hành vi, đặc biệt là trẻ lớn tuổi, khi đến can thiệp thì các hành vi đã “quá tầm”, ở nhà bố mẹ cũng đã không kiểm soát được, thường xuyên tự xâm hại bản thân, phản kháng dữ dội với mọi người xung quanh…

Theo cô Hậu, hiện nay trung bình mỗi tháng khoa quản lý đào tạo từ 50 - 60 học sinh, nhỏ nhất là 18 tháng tuổi và lớn nhất là 17 tuổi và nhóm đối tượng người tự kỷ. Về cơ bản, có hai hình thức can thiệp là theo nhóm và cá nhân. Can thiệp nhóm là quy trình khép kín của các hoạt động, mỗi giờ có một nội dung khác nhau để phát triển các kỹ năng vận động, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, kỹ năng tự lập, tương tác xã hội… Can thiệp cá nhân dựa trên kết quả đánh giá khả năng của từng em để xây dựng nội dung can thiệp riêng, phát triển tối đa khả năng độc lập nhất có thể.

Trong giờ học phục hồi chức năng cho trẻ tại Trung tâm Thụy An (Ba Vì).

Vơi đi nỗi đau nghiệt ngã

Đối với những gia đình có trẻ tự kỷ dạng nặng thì áp lực cho họ ngày càng tăng theo năm tháng. Nếu như con của họ có thể tự phục vụ bản thân ở những việc ăn uống, vệ sinh cá nhân thì cũng đã là rất thành công.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Kiều Xuân Thanh, bố cháu Lê Anh, 11 tuổi ở xóm Muối (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) cho biết, cháu bị tự kỷ bẩm sinh rất nặng. Ở nhà, cháu không biết xúc cơm, ăn cơm, không có khả năng tự lo vệ sinh bản thân. Đây là nỗi đau nghiệt ngã mà gia đình rất khó giải quyết. Cách đây khoảng 2 năm gia đình được biết và đưa cháu vào can thiệp bán trú tại trung tâm Thụy An. Quá trình can thiệp mặc dù còn chậm nhưng đã cho thấy những tiến bộ cơ bản. Hơn nữa, cháu đã có thể hiểu và làm theo một số yêu cầu đơn giản, làm việc vặt trong nhà.

Còn với bà Trần Thị Ngọc Tuyết, 71 tuổi ở thị trấn Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), việc đưa con vào trung tâm để can thiệp đã giúp bà giảm hẳn áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Bà Tuyết cho biết: Con tôi đã 30 tuổi đang học tại trung tâm. Bố cháu là thương binh nặng, mất đã lâu, cháu bị tự kỷ ở dạng nặng do ảnh hưởng chất độc da cam, khả năng trí tuệ rất thấp, chỉ như đứa trẻ 2 - 3 tuổi. Trước đây ở nhà cháu hay cáu kỉnh, đập phá đồ đạc…

Khi được can thiệp tại trung tâm, con đã có ý thức tổ chức tốt hơn, dần nhận biết tự giải quyết những vấn đề sinh hoạt cá nhân và rất nghe lời cô giáo. Tôi và các cô giáo cũng thường xuyên trao đổi với nhau thông qua mạng Internet và nói chuyện với cháu để tăng cường khả năng giao tiếp. Đến nay, cháu đã nói được nhiều hơn, biết biểu cảm, thỉnh thoảng còn biết gọi mẹ nên tôi rất mừng...

Điểm tựa an sinh xã hội

So với trước đây, các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đã được cập nhật và bổ sung nhiều nội dung hiệu quả hơn. Các lớp can thiệp theo nhiều hình thức để phù hợp với từng cá nhân trẻ tự kỷ. Lớp can thiệp cá nhân thì có một cô - một trò; Các lớp học kỹ năng theo nhóm từ 3 – 5 em; Lớp học văn hóa với khoảng hơn 10 học sinh... Các lớp khác dạy nghề may, đan lát, làm tranh đá quý, tranh bút lửa…

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng được thiết kế phù hợp hơn, các phòng học được sơn màu xanh cốm, trên đó tô điểm rất nhiều hình họa ngộ nghĩnh, sinh động do trẻ tự kỷ sáng tác, đem đến cảm giác thân thiện và an toàn.

Bác sĩ Trần Văn Lý - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: Để có được những lớp học như thế này, trung tâm đã chú trọng việc đưa khoa học - kỹ thuật vào phục hồi chức năng cho các em bao gồm cả thể chất và tinh thần. Đặc biệt, xây dựng mô hình phục hồi chức năng toàn diện, khép kín giúp các em có điều kiện tốt nhất. Đối tượng chủ yếu là chậm vận động, chậm phát triển trí tuệ, trẻ tự kỷ, trẻ khiếm thính và đa dạng tật.

Kinh nghiệm trong việc chăm sóc, đào tạo đối tượng trẻ tự kỷ, rối nhiễu trí não cho thấy, quan trọng hơn cả là đội ngũ cán bộ, giáo viên phải tâm huyết, gắn bó với công việc. Thu hút được nguồn lực xã hội cùng chung tay giúp đỡ đối tượng yếu thế trẻ khuyết tật, tự kỷ… Với tiêu chí lấy người khuyết tật là trung tâm, đến nay quy trình khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và tự kỷ được từng bước hoàn thiện, trở thành điểm tựa vững chắc cho người khuyết tật, trẻ tự kỷ và gia đình của các em.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thap-sang-cuoc-doi-tre-tu-ky-bang-kien-nhan-va-tam-huyet-MxwajcBGR.html