Thắp sáng niềm tin cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc có nhiều mô hình, hoạt động chăm sóc, giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, tạo môi trường sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh mà còn trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ các em xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường và hòa nhập cộng đồng.

"Mái ấm" của trẻ em khó khăn

Mỗi tháng một lần, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin lại tập trung đến nhà sinh hoạt cộng đồng tham dự buổi sinh hoạt do Câu lạc bộ (CLB) Chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng tổ chức. Mở đầu buổi sinh hoạt, các em được Ban Chủ nhiệm CLB phổ biến một số điều luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn kỹ năng sống… Các em còn được thể hiện những điệu múa, bài hát dân gian, tham gia các trò chơi tập thể. Chị H’Nhem Btô, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB được thành lập vào tháng 8-2015, lúc đầu chỉ có 20 em, nhưng đến nay đã thu hút được 45 em tham gia, chủ yếu là con em đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trong buôn.

Em H’la Zêm, 13 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên cách đây hai năm đã bỏ học đi làm thuê phụ giúp gia đình. Biết được hoàn cảnh của em, Ban Chủ nhiệm CLB đã đến nhà động viên gia đình cho em đi học lại và tặng một chiếc xe đạp làm phương tiện đến trường. Em H’la Zêm bộc bạch: “Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên em phải bỏ học. Được các cô, chú trong CLB đến vận động và giúp đỡ nên em được đến trường trở lại. Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này giúp đỡ gia đình và buôn làng mình!”.

Không chỉ riêng H’la Zêm, những năm qua, CLB đã vận động được 16 trẻ em bỏ học trở lại trường và giúp đỡ được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xóa bỏ tự ti, mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Ánh Xuân, cán bộ phụ trách công tác trẻ em xã Ea Ktur đánh giá: Toàn xã hiện có 160 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua mô hình “Chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng” ở các buôn, làng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em, đồng thời tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em ở vùng khó khăn này.

Chùa Bửu Thắng 2 nằm trên địa bàn xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột mới đi vào hoạt động từ tháng 5-2017, hiện nay chùa đang nhận chăm sóc, nuôi dạy 45 trẻ mồ côi là con em các dân tộc trong tỉnh được chuyển từ chùa Bửu Thắng 1 lên. Trong đó có sáu trẻ sơ sinh, hai em bị khuyết tật, còn lại đang đi học từ lớp mẫu giáo đến lớp 12.

Dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt của các em, sư cô Thích Nữ Huệ Huyền trụ trì chùa chia sẻ: Mỗi em ở đây là mỗi mảnh đời khác nhau nhưng cùng chung một hoàn cảnh là mồ côi cha, mẹ hay bị bỏ rơi cho nên các em thiếu thốn tình cảm gia đình. Vì vậy, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các sư cô nhà chùa vẫn luôn cố gắng chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em, tạo dựng một môi trường đầy tình yêu thương, nhân ái, nuôi dưỡng các em đến lúc trưởng thành. Em Huỳnh Hải Yến được chùa nhận nuôi từ nhỏ tâm sự: “Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học vừa rồi, em đã trúng tuyển vào ngành y, Trường đại học Tây Nguyên. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ lòng nuôi dạy của các sư cô và sau này trở lại chùa chăm sóc các em nhỏ”.

Nhân rộng các mô hình

Trong những ngày chuẩn bị đón Tết Trung thu năm nay, theo chân những nhà hảo tâm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đác Lắc, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp nơi đây. Những nhà hảo tâm đã ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các em như người thân lâu ngày gặp lại. Anh Trần Thanh Chương cùng vợ là chị Trần Thị Nga ở TP Buôn Ma Thuột tâm sự: Vào dịp lễ, Tết, Tết Trung thu hằng năm, gia đình tôi thường xuyên mua quà đến tặng các cháu ở đây. Đây là tình cảm chân thành với mong muốn chia sẻ khó khăn, thiếu thốn với các cháu thiếu may mắn trong cuộc sống.

Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đác Lắc Nguyễn Duy Tuyết cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em DTTS có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tích cực vận động các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước để hỗ trợ, giúp đỡ các em.

Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đác Lắc Lâm Đình Nhiên cho biết: Từ năm 2011 đến nay, quỹ đã vận động được gần 56 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng, còn lại được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Từ nguồn kinh phí này, quỹ đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khám cho hơn 3.200 lượt trẻ em bị dị tật các loại; đưa 230 em bị bệnh tim bẩm sinh đi phẫu thuật tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh; tổ chức phẫu thuật cho 395 em bị sứt môi hở hàm ếch; hỗ trợ cho hơn 600 em bị nhiễm chất độc hóa học phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và trao hơn 700 xe lăn cho trẻ em khuyết tật, bại não; trao học bổng, tặng xe đạp cho hơn 2.748 em có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng được 19 căn nhà tình thương cho trẻ em mồ côi cha mẹ... Những việc làm đó đã giúp các em vơi đi nỗi bất hạnh, thắp sáng niềm tin, nghị lực, tạo điều kiện cho các em có cơ hội phát triển và hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34290502-thap-sang-niem-tin-cho-tre-em-co-hoan-canh-kho-khan.html