Tháp Thái Bình 300 tỷ: Nhiều người thành đạt đóng góp

Tháp 300tỷ là dự án xã hội hóa, có sự đóng góp của những người con thành đạt từ quê lúa nên còn có ý nghĩa thể hiện tình yêu quê hương.

“Chắc chắn là công trình tiêu biểu của tỉnh”

Thông tin Thái Bình đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng một tòa tháp 25 tầng với mức đầu tư gần 300 tỷ từ nguồn xã hội hóa khiến dư luận xôn xao thời gian vừa qua.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan của địa phương… Đây chắc chắn sẽ là công trình tiêu biểu của tỉnh.

3 phương án thiết kế tháp Thái Bình. Ảnh: VNN

Về ý kiến tại sao không xây trường học hay các công trình phúc lợi, mà lại tiêu tốn hàng trăm tỷ vào dự án này, trong khi tỉnh còn khó khăn, ông Diên cho rằng tháp Thái Bình là một dự án thương mại của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo điểm nhấn trong diện mạo đô thị hiện đại.

“Trường học hay các công trình phúc lợi, Thái Bình vẫn làm và làm rất tốt”, ông Diên nói với tờ Vietnamnet.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, dự án được xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức và lấy ý kiến rộng rãi.

Hơn nữa, đây là dự án xã hội hóa, có sự đóng góp của những người con thành đạt từ quê lúa nên nó còn có ý nghĩa thể hiện tình yêu quê hương của những người con Thái Bình.

Đơn vị thiết kế đã cố gắng truyền tải những nét tiêu biểu

Tờ Vietnamnet cũng dẫn lời ông Lại Văn Hoàn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, tỉnh cam kết không dùng tiền ngân sách để xây dựng tháp.

Theo ông Hoàn, địa phương này đã huy động được 35 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân là con em Thái Bình thành đạt đóng góp xây dựng quê hương. Ngoài ra, một mạnh thường quân thành đạt cam kết tài trợ toàn bộ xi-măng để xây công trình.

Ông Hoàn cũng cho biết, UBND tỉnh đã công khai 3 phương án thiết kế tại các bảng điện tử ở khu vực công cộng để người dân góp ý. Căn cứ từ ý kiến của nhân dân, UBND tỉnh với vai trò là chủ đầu tư mới quyết định lựa chọn phương án nào.

“Dự án vẫn đang ở giai đoạn thẩm định, phê duyệt. Sau khi thông qua phương án thiết kế, chúng tôi sẽ thuê 1 đơn vị thiết kế nước ngoài uy tín để thiết kế chi tiết. Khi hoàn thiện, sẽ tổ chức đấu thầu công khai theo quy định”, ông Hoàn khẳng định.

Nhiều KTS khẳng định tòa tháp không rõ ý đồ nghệ thuật, thiết kế rất xấu.

Theo kế hoạch quý 3 năm nay, công trình sẽ được khởi công xây dựng. Vị trí đặt tháp Thái Bình trên một hòn đảo nhân tạo nằm giữa hồ nhân tạo rộng 9ha.

Trong khi đó, ông Đỗ Năng Hoạt, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, tháp biểu tượng là công trình đa chức năng, điểm nhấn trong kiến trúc, cảnh quan của tỉnh chứ không phải xây để chơi như người ta suy diễn.

Vị Giám đốc cho biết, đơn vị thiết kế đã cố gắng chuyển tải những nét tiêu biểu nhất của Thái Bình vào kiến trúc bên trong, như phần thân tháp có biểu tượng bông lúa thể hiện cho nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo; ngọn tháp mang hình chiếc bút hướng lên nền trời thể hiện ý chí, khát vọng trong sự nghiệp…

Không rõ ý đồ nghệ thuật

Trao đổi với Đất Việt về ý tưởng xây tháp của Thái Bình, KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, dù sử dụng tiền xã hội hóa hay ngân sách nhà nước thì khi xây dựng tòa tháp cũng phải tính toán, cân nhắc thận trọng. Thái Bình hiện nay các công trình an sinh xã hội, trường học, bệnh viện, các công trình dành cho người nghèo vẫn còn rất thiếu và hạn chế.

Nhìn nhận dưới góc độ cảnh quan, kiến trúc, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng mô hình tòa tháp mà phía UBND tỉnh Thái Bình đưa ra không rõ ý đồ nghệ thuật, thiết kế tổng thể không hòa hợp với nhau.

“Tháp 162 m của Thái Bình bao gồm các khu dịch vụ, thương mại triển lãm, dịch vụ văn hóa, du lịch để kinh doanh. Tôi nghĩ nên gọi là trung tâm thương mại thì đúng hơn.

Về mặt kiến trúc, theo đánh giá của tôi là xấu. Dường như mẫu thiết kế không có sự tham gia của những người làm nghệ thuật nên không bật lên được tính nghệ thuật như mong muốn của những người giới thiệu.

Phần đuôi, thân, đế, ngọn trông lủng lẳng và không ăn nhập với nhau. Bố cục chỉ là một hình tháp đi lên, không rõ ràng về ý đồ nghệ thuật”, ông Đức nhấn mạnh.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, tháp Thái Bình không có phong cách gì cả, không giống Trung Quốc cũng không phải theo phương Tây, châu Á.

Theo ông Liêm, có nhiều cách để tạo biểu tượng của tỉnh và không nhất thiết phải xây tháp hoành tráng 300 tỷ đồng.

“Đà Nẵng tạo bản sắc thành phố không phải bằng việc xây tháp mà bằng một cây cầu hình con rồng. Hiện nay truyền hình, báo chí hàng ngày đưa lên hình ảnh đó, Đà Nẵng không hề mất một đồng nào để quảng cáo cả.

Cầu Tràng Tiền cũng mang bản sắc rất rõ của Huế. Hay như cầu Long Biên trước đây và bây giờ là cầu Nhật Tân. Mỗi khi nhắc đến Hà Nội là người ta nhớ ngay đến những công trình đó. Đâu phải chỉ có cách xây tháp đâu? Nếu Thái Bình muốn xây một công trình gì đó để làm biểu tượng của tỉnh thì hãy lấy Đà Nẵng làm bài học. Tất nhiên có thể cách khác nhưng cung cách phải như thế”, TS Liêm nêu quan điểm.

Nguyễn Hoàn (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thap-thai-binh-300-ty-nhieu-nguoi-thanh-dat-dong-gop-3335422/