Thấp thỏm dưới chân thủy điện

Nhường đất, nhà cửa, thậm chí hiến cả mồ mả tổ tiên để xây dựng các công trình thủy điện, thế nhưng cuộc sống sau tái định cư của người dân càng trở nên thiếu thốn đủ thứ, nhiều hộ lại quay về lòng hồ thủy điện để sinh sống 'bất hợp pháp'...

Nhường đất, nhà cửa, thậm chí hiến cả mồ mả tổ tiên để xây dựng các công trình thủy điện, thế nhưng cuộc sống sau tái định cư của người dân càng trở nên thiếu thốn đủ thứ, nhiều hộ lại quay về lòng hồ thủy điện để sinh sống "bất hợp pháp"...

Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Lục tại bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, H. Quỳ Châu đang bị sạt lở.

Những ngày qua, dọc bờ sông Hiếu đi qua xã Châu Tiến, H. Quỳ Châu, Nghệ An xuất hiện nhiều đoạn sạt lở, hàm ếch ăn sâu vào nhà dân. Vùng sạt lở có chiều dài khoảng 800 m, ăn sâu vào đất liền 10 m, đặc biệt có nơi sạt lở chỉ cách QL48 khoảng 30m. Dọc sông Hiếu qua bản Minh Tiến có gần 50 hộ dân sinh sống thì có 22 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở. Nguyên nhân sạt lở là do hậu quả của cơn bão số 3 kết hợp với thủy điện Châu Thắng (công suất thiết kế 14MW) xả lũ khiến một số nhà dân bị sập. Bà Nguyễn Thị Lục (1967, trú bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, lộ rõ nét lo lắng khi nhớ lại cảnh nước sông hung dữ ngoạm từng mảng đất phía sau nhà. Đó là tối 27-7, khi đang làm sổ sách, bà nghe tiếng động từ phía sau nhà. Khi chạy ra xem thì nhìn thấy một phần bờ tường rào bao quanh đổ ập xuống sông, sóng nước cuồn cuộn. Phần còn lại bị nứt hơn 10 cm. Ngay sau đó gia đình báo chính quyền địa phương đến nắm tình hình.

Cũng theo bà Lục, gia đình bà ở đây hàng chục năm nay nhưng trước đây, trời mưa, nước ngập lụt rút rất nhanh và không xảy ra sạt lở. Khi xảy ra tình trạng sạt lở, một số hộ dân địa phương cho rằng, nguyên nhân chính là do nhà máy thủy điện Châu Thắng xả lũ vào tháng 5-2017. Ông Trần Huy Lạc, Trưởng bản Minh Tiến cho hay, các hộ dân ở đây chủ yếu định cư đã hơn 40 năm nay. Từ khi nhà máy thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động, mỗi lần xả lũ là dọc sông Hiếu bị sạt lở, các hộ dân phải thức trắng đêm để đối phó, di chuyển đồ đạc và lo sợ nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 2011, để xây dựng hai dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 trên sông Cả, thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An giáp ranh với Lào, các cơ quan ban ngành đã lập phương án di dời hàng trăm hộ dân xã Mỹ Lý, xã Tà Cạ, H. Kỳ Sơn trong vùng bị ảnh hưởng. Thế nhưng 7 năm trôi qua, người dân mòn mỏi chờ đợi tái định cư nhưng dự án thì vẫn nằm trên giấy. Nhiều hộ dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ, hư hỏng nhưng không dám sửa chữa bởi nỗi lo có thể phải chuyển đi bất cứ lúc nào. Những công trình phúc lợi đang được triển khai đều phải dừng lại và UBND huyện Kỳ Sơn cũng không dám xây dựng thêm công trình phúc lợi nào nữa. Hàng trăm hộ dân phải sống trong khó khăn, thiếu thốn "đi không được mà ở cũng không xong". Người dân ở những dự án thủy điện treo khốn khó đã đành, còn những hộ dân được tái định cư cũng không khá hơn. Nhường đất sản xuất, nhường nơi "chôn rau cắt rốn" về tái định cư ở vùng đất mới những mong sẽ được "an cư lạc nghiệp" thế nhưng ở vùng đất mới, người dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng xuống cấp "không phanh". Đơn cử, dự án thủy điện Bản Vẽ tại H. Tương Dương là một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Năm 2005, thủy điện này ngăn dòng nhưng đã 13 năm qua, dự án vẫn còn 3/43 tuyến đường giao thông ở khu tái định cư huyện Thanh Chương chưa được triển khai. Một số nhà ở do chủ đầu tư xây dựng cho bà con tái định cư ở huyện Tương Dương đã xuống cấp, nhiều hộ dân chưa được giao bổ sung đất lâm nghiệp. Cuộc sống khốn khó khiến nhiều người rời bỏ khu tái định cư để quay về lòng hồ sinh sống tạm bợ.

Hệ lụy của những dự án thủy điện (ảnh) là thực tế đáng buồn tại các huyện miền núi Nghệ An.

Tại phiên thảo luận tổ 5, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, một đại biểu H. Con Cuông phản ánh thực tế ở địa phương là các hội nghị tiếp xúc cử tri có đến 80% ý kiến kiến nghị của cử tri đều liên quan các vấn đề thủy điện. Hằng năm, qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư có đến 2/3 đơn thư của công dân liên quan các dự án thủy điện. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là công tác điều tra lập quy hoạch các điểm tái định cư chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào. Một số điểm tái định cư khi thực hiện khai hoang, cải tạo đất theo quy hoạch gặp khó khăn, dẫn tới việc giao đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp cho nhân dân tái định cư rất chậm. Những diện tích đất khai hoang được cấp lại nằm trên đồi dốc nên độ phì nhiêu rất ít, dễ bị xói mòn, dẫn đến sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.

Được biết, tỉnh Nghệ An có 47 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất trên 1.400 MW. Quá trình quy hoạch, 15 dự án hiệu quả thấp đã bị loại nên hiện nay còn 32 dự án với tổng công suất khoảng 1.360 MW. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử, 9 dự án đang triển khai thi công, 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai, 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư. "Đến bao giờ dân tái định cư thủy điện mới được an cư?". Đó là câu hỏi nhiều người dân tái định cư đặt ra sau nhiều năm vẫn cần lời đáp từ các cơ quan chức năng!

D.HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_193663_thap-thom-duoi-chan-thuy-dien.aspx