Thấp thỏm lo mất điện

Bị cắt điện trong những ngày nắng nóng đang trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của nhiều gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh. Trong khi đó, bài toán cung ứng điện là thách thức lớn mà ngành điện loay hoay giải quyết, với những đề xuất như nhường khí cho điện, tăng cung ứng than, huy động thêm năng lượng tái tạo… khi nhiều hồ thủy điện về mực nước chết.

Trong sáng ngày 22/5, nhiều người dân tại khu vực TP.HCM phản ánh bất ngờ bị mất điện đột ngột dù Điện lực TP.HCM trước đó khẳng định đến hết tháng 5 sẽ không cắt điện chủ động trên địa bàn. Lý giải điều này, Điện lực TP.HCM cho biết là do sự cố kỹ thuật.

Thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nếu mất điện

Trong khi đó, 2 ngày cuối tuần qua, người dân ở TP.Hà Nội hoang mang trước thông tin nhiều nơi ở thành phố có lịch cắt điện. Ngay sau đó, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội đính chính không có tình trạng cắt điện luân phiên mà đây là lịch tạm ngừng cấp điện để phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo vận hành cung ứng điện được an toàn, ổn định.

Mất điện trong những ngày nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp.

Mất điện trong những ngày nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp.

Thực tế, tình trạng mất điện đã diễn ra cục bộ tại một số địa phương khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Đơn cử, do thiếu nguồn cung ứng điện nên trong ngày 18/5, một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bị ngừng cấp điện toàn bộ phụ tải.

Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, thời tiết nắng nóng cực đoan, phụ tải tăng cao, để bảo đảm an ninh hệ thống điện, trong ngày 18/5, công ty đã phải ngừng cấp điện toàn bộ phụ tải KCN Song Khê - Nội Hoàng và KCN Vân Trung.

Hai KCN này tiêu thụ khoảng 3,6 triệu kWh/ngày. Nếu không ngừng cung cấp điện cho 2 khu công nghiệp này thì toàn bộ khu vực dân sinh và đơn vị doanh nghiệp (DN) khác trên địa bàn tỉnh phải bị ngắt điện.

Việc ngừng cung cấp điện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa biết khi nào mới chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung ứng điện vì phải phụ thuộc vào thời tiết.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean – DN hoạt động trong ngành may mặc) cho biết, nhờ chuyển hướng thị trường sang Canada, Úc… đã giúp DN đảm bảo công suất hoạt động từ 90 – 100%, công nhân có việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy vậy, nếu tình hình cung ứng điện không được đảm bảo, nếu các nhà máy của Vitajean thuộc diện cắt điện luân phiên thì sẽ là một mối lo lớn.

“Chúng tôi đã chuẩn bị các máy phát điện để phục vụ trong tình huống xấu nhất là nhà máy bị cắt điện. Tuy nhiên, có một thực tế là máy phát chỉ đảm bảo được một số công đoạn, còn các công đoạn khác sẽ phải ngừng hoạt động nếu mất điện”, ông Việt nói.

Chủ tịch Công ty Vitajean cho hay, có những công đoạn quan trọng của nhà máy mà nếu mất điện sẽ gây thiệt hại lớn, tốn nhiều giờ mới hoạt động trở lại vì dây chuyền sản xuất phải khởi động lại từ đầu.

Bất cập chính sách giá điện

Theo đó, Công ty VitaJean bày tỏ mong muốn tình hình cung ứng điện cần ổn định để giúp DN yên tâm sản xuất, nếu trong tình thế cắt điện thì phải báo trước để DN chuẩn bị, lên sẵn kịch bản ổn định sản xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm đơn hàng rất khó, vì vậy bất cứ yếu tố nào tác động tiêu cực sẽ càng đẩy DN vào tình cảnh khó khăn hơn. “Chúng tôi vẫn chưa thể tính thêm chi phí phát sinh khi giá điện tăng 3% của đợt vừa qua vào giá bán sản phẩm. Tăng giá sản phẩm đầu ra đồng nghĩa mất khách hàng”, ông Việt nhấn mạnh.

Trước nguy cơ thiếu khí cho sản xuất điện, EVN đã đề nghị PVN hỗ trợ ưu tiên khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6). Trong đó, EVN đề nghị nhà máy Đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau xem xét cho ngừng toàn bộ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.

Tuy nhiên, ngay sau đó, PVN đã nêu ra những lý do khó đáp ứng đề nghị trên, như việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của các cổ đông các nhà máy đạm. Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống quốc gia.

Điều đó có nghĩa, nguồn điện sắp tới phải trông chờ lớn vào các giải pháp như huy động từ dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, cũng như đẩy mạnh nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện, nhập khẩu điện… Được biết, trong ngày 19/5, nguồn điện gió, điện mặt trời đã đóng góp 115 triệu kWh trong tổng số 923 triệu kWh tiêu thụ điện.

Đồng thời, một trong những giải pháp mà ngành điện đang triển khai là kêu gọi người dân, DN trên cả nước đẩy mạnh tiết kiệm điện. Đơn cử, Công ty điện lực Bình Dương (Tổng công ty Điện lực Miền Nam - EVNNSPC) đã gửi công văn đến các công ty sản xuất những lĩnh vực tiêu thụ điện năng lớn đề nghị đẩy mạnh tiết kiệm điện mùa khô và tăng cường huy động máy phát điện.

“Tăng cường huy động 50% công suất máy phát điện của các công ty và các khách hàng có trang bị nhằm giảm điện nhận trên lưới trong quá trình thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện", Công ty Điện lực Bình Dương yêu cầu.

Tuy vậy, nêu bất cập của ngành điện, báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về "kết quả bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; thực hiện các tháng đầu năm 2023" của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các DN đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Thực tế, mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy "không thoải mái" vì hoài nghi vào con số lỗ của EVN. Tuy nhiên, nếu không tăng giá, EVN than thua lỗ - càng bán càng lỗ, khó thu hút đầu tư vào ngành điện, và kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng như tình trạng thiếu điện, cắt điện... đang xảy ra.

Ông Trần Việt Hòa

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực

Mùa nắng nóng đến thì việc khó khăn trong cung ứng về điện là câu chuyện thường phải đối mặt. Hiện nay, các hồ thủy điện đang ở trong tình trạng nguồn nước khai thác giảm dần, nhiều hồ về mực nước chết, gây khó khăn vận hành, cung ứng điện. Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp, đối phó với khó khăn gặp phải trong mùa khô, chỉ đạo vận hành, cung ứng nhiên liệu, than khí cho phát điện. Trong đó, TKV phải nỗ lực hết sức để cung ứng phục vụ nhiên liệu cho phát điện, EVN cần khẩn trương đàm phán đưa các dự án điện sạch vận hành thương mại…

PGS.TS. Trần Đình Thiên

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Thời gian qua, nguồn điện năng lượng tái tạo phát triển đồng bộ nhưng lại xảy ra nghịch lý là không tiêu thụ được, lãng phí tài nguyên quốc gia. Cùng với đó, hệ thống truyền tải chưa theo kịp, phát triển đồng bộ dẫn đến khó đẩy hết công suất năng lượng tái tạo lên lưới. Đây là điều cần phải sớm khắc phục để đảm bảo cung ứng điện không chỉ trong năm nay mà còn các năm tiếp theo, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao, dự báo thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Ông Võ Quang Lâm

Phó Tổng giám đốc EVN

Ngay đầu tháng 5, khu vực miền Bắc và miền Trung đón nhận những đợt nắng nóng kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến. Dự báo tháng 6, tháng 7, miền Bắc sẽ bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện có xu hướng cao hơn. Để đảm bảo cung ứng điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia phải huy động tổ máy dầu từ 17/4, khi mà nhiều hồ thủy điện đã về mực nước chết. Trước tình hình trên, EVN cố gắng thực hiện phương án đảm bảo cung ứng điện như lập kế hoạch vận hành toàn bộ hệ thống điện theo diễn biến thời tiết, đặc biệt với kịch bản nắng nóng cực đoan, tăng cường sửa chữa lưới điện 24/24 giờ, rà soát củng cố lưới điện đảm bảo cung ứng điện ổn định...

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thap-thom-lo-mat-dien-1092731.html