Thất bại bất ngờ

Sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, nước Đức đang đứng trước nguy cơ phải tổ chức bầu cử lại bởi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã không tìm được tiếng nói chung với các đối tác. Cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa CDU/CSU, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã kết thúc đêm 19 rạng sáng 20-11 trong thất bại.

Phát biểu ý kiến với giới truyền thông Đức, phát ngôn viên của FDP vừa tuyên bố đảng này đã rút khỏi các cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh. Trong khi đó, nhà lãnh đạo FDP Christian Lindner cho biết, các chính đảng tham gia đàm phán đã không tìm được sự tin tưởng hay một ý tưởng chung cho việc hiện đại hóa đất nước - điều kiện tiên quyết cho một chính phủ ổn định. Theo truyền thông địa phương, các chính đảng nêu trên đã không thể “chung một mái nhà” do bất đồng quan điểm liên quan vấn đề tài chính công, nhập cư... Trong khi các vấn đề về thuế và tài chính công trở nên khó khăn, thì mối liên kết phức tạp nhất lại liên quan chính sách nhập cư khi CDU/CSU đề nghị tăng tiếp nhận 200 nghìn người/năm. Đề nghị này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Xanh.

Sau sự việc nêu trên, các đảng tham gia đàm phán đã “tiếng bấc tiếng chì”, đổ lỗi và chỉ trích đối phương. Chủ tịch đảng Xanh Simone Peter chỉ trích FDP "vô trách nhiệm", làm công chúng thất vọng sau bốn tuần đàm phán. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ thất vọng trước việc đàm phán thất bại. Việc bà Merkel không thành lập được chính phủ mới ở Đức là một bất ngờ lớn bởi sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, giới phân tích đều nhận định việc “người đàn bà thép” của nước Đức có thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng là gần như chắc chắn bởi thành tích của Chính phủ Đức nhiệm kỳ vừa qua tương đối ấn tượng. Thành tích và điểm tựa kinh tế chính là thứ “vũ khí lợi hại” giúp bà giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Đức vừa qua. Đáng chú ý là trong các cuộc tranh luận trên truyền hình vừa qua, những phát ngôn của bà Merkel về các vấn đề kinh tế - xã hội, đối ngoại vẫn chỉ là “lối cũ ta về”, trong đó nhấn mạnh các ưu tiên chính sách bà đã thực hiện trong ba nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Đức.

Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, kinh tế Đức đang phát triển tốt. Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết, nền kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong quý III-2017 khi xuất khẩu và đầu tư tăng mạnh. Theo các số liệu thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) điều chỉnh theo mùa của Đức trong quý III-2017 đã tăng 0,8% so với quý II, cao hơn so với mức dự báo 0,6% do các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò ý kiến trước đó. Cùng với kinh tế tăng trưởng khá, các vấn đề việc làm, an sinh xã hội cũng được chính phủ của bà Merkel làm khá tốt. Văn phòng Thống kê liên bang (FSO) đã ra thông báo về thị trường lao động của Đức, trong đó cho biết số người có việc làm ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục 44,5 triệu trong quý III-2017. Giới phân tích cho rằng, lý do dẫn đến sự bùng nổ việc làm tại thị trường lao động Đức xuất phát từ sự vững chắc của nền kinh tế nước này. Theo FSO, hầu hết các chuyên gia dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng liên tục trong năm thứ tám liên tiếp, do đó việc tăng lương có thể sẽ tiếp tục và số lượng việc làm năm 2018 sẽ tăng lên mức trung bình trong năm là 44,81 triệu.

Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thỏa thuận hình thành một liên minh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị ở nước này, đồng thời đặt chính trị Đức trước các kịch bản khác nhau. Truyền thông Đức đồn đoán Thủ tướng Merkel có thể quay lại kêu gọi đàm phán với SPD, vốn là đối tác của liên minh CDU/CSU trong bốn năm qua, song khả năng này hầu như không có khi SPD đã kiên quyết không tham gia đàm phán thành lập chính phủ. Kịch bản thứ hai là CDU/CSU liên minh với đảng Xanh thành lập chính phủ thiểu số, song một chính phủ như vậy sẽ không ổn định và cũng không phải là điều mong muốn của Thủ tướng Merkel. Hơn nữa, bà Merkel cho biết, sẽ gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử mới, thông báo cho ông về việc không thành lập được chính phủ liên minh. Giới phân tích nhận định, động thái nêu trên cho thấy bà Merkel có thể sẽ không tìm kiếm một chính phủ thiểu số với đảng Xanh.

Như vậy, kịch bản được nhiều ý kiến nhìn nhận dễ xảy ra là nước Đức phải tiến hành bầu cử lại. Theo kịch bản này, Tổng thống Đức sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi tổng tuyển cử. Tuy nhiên, đây là điều các chính đảng không mong muốn xảy ra do lo ngại đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức. Trong cuộc bầu cử vừa qua, AfD đã bất ngờ giành được 12,7% tổng số phiếu bầu và trở thành đảng đối lập lớn thứ ba trong Quốc hội Liên bang Đức. Trong thời gian tới, bất luận chính phủ Đức được thành lập theo kịch bản nào, AfD cũng có thể là “kẻ phá đám” đối với liên minh cầm quyền.

Bà Merkel sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt nước Đức nói riêng, EU nói chung trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của mình. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy dù giữ được ghế Thủ tướng, “bông hồng thép” của nước Đức sẽ có một nhiệm kỳ không dễ dàng để thực hiện lời hứa với cử tri là bảo đảm “quốc thái dân an”.

ĐÔNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/34768402-that-bai-bat-ngo.html