Thất bại của Iran!

Chảo lửa Trung Đông vốn chưa bao giờ yên ả lại tiếp tục nổi sóng khi tình hình chính trị tại Lebanon và Iraq đang ngày càng bất ổn.

Chảo lửa Trung Đông vốn chưa bao giờ yên ả lại tiếp tục nổi sóng khi tình hình chính trị tại Lebanon và Iraq đang ngày càng bất ổn.

Tại Lebanon, hàng chục nghìn người ngày 4-11 tiếp tục xuống đường tại trung tâm thủ đô Beirut biểu tình chống chính phủ để ủng hộ Tổng thống Michel Aoun và con rể của ông, Ngoại trưởng Gebran Bassil. Các cuộc biểu tình chống chính phủ lần đầu tiên diễn ra ngày 17-10 nhằm kêu gọi những cải tổ mạnh mẽ trong hệ thống chính trị của Lebanon. Việc chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri sụp đổ được xem là chiến thắng đầu tiên nhưng những người biểu tình quyết tâm sẽ tiếp tục tiến hành biểu tình để đòi hỏi chính phủ phải đáp ứng được các đòi hỏi của người dân. Tại Iraq, hàng ngàn người tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ ở thủ đô Baghdad trong bối cảnh đã có hơn 250 người Iraq thiệt mạng trong tháng 10 vừa qua khi đụng độ với lực lượng an ninh.

Và thực tế cho thấy, những bất ổn này phản ánh sự thất bại trong mô hình sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Việc Thủ tướng Hariri từ chức được coi là đòn giáng mạnh đối với phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran hậu thuẫn và các đảng phái của giai cấp cầm quyền tại Lebanon, vốn bị đổ lỗi cho tình trạng tham nhũng và quản lý sai lầm đã đẩy đất nước đến bờ vực của sụp đổ kinh tế. Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah đã phản đối bất kỳ sự thay đổi chính phủ nào, đồng thời cảnh báo một số người biểu tình đã được các thế lực bên ngoài tài trợ. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được Thủ tướng Hariri từ chức sau khi mọi nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng đang càn quét Lebanon kể từ ngày 17-10 vừa qua đã đi vào ngõ cụt.

Sự rút lui của ông Hariri được coi là một thất bại chủ đạo đối với phong trào vũ trang Hezbollah, nhưng nó cũng đặt các nhóm chính trị khác trong chính phủ liên minh vào tình huống khó xử tương tự, khi phải lựa chọn là đồng minh hoặc đối thủ của Hezbollah. Hệ quả từ chức là một đòn giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống chính trị Lebanon và Hezbollah có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Hezbollah đang yếu đi khi họ vẫn là thế lực chính trị có sức mạnh vượt trội và nắm giữ nhiều lợi thế tại Lebanon.

Tương tự như các cuộc biểu tình ở Lebanon, làn sóng biểu tình ở Iraq, được thúc đẩy từ sự bất bình của người dân và chủ yếu nhắm vào giới tinh hoa chính trị có quan hệ thân Iran. Tất nhiên, nó cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đối với Tehran. Chuyến thăm bất ngờ đến Baghdad của Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc tổ chức Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - và là “kiến trúc sư” của bộ máy an ninh khu vực Iran cho thấy Tehran thực sự quan tâm đến các cuộc biểu tình ở nước này.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_215424_that-bai-cua-iran-.aspx