Thất bại không vô nghĩa

Con đường dẫn tới thành công, không trải đầy hoa hồng. Chúng ta phải vượt qua muôn vàn thử thách để có được điều mình muốn. Thất bại sẽ giúp con người tôi luyện ý chí và sức mạnh.

Hãy dũng cảm vượt qua khó khăn để gặp hái được những thành công trong tương lai. Ảnh: TLH.

Trong giai đoạn sau này của cuộc đời, khi nói về tháp nhu cầu của mình, Maslow nhấn mạnh rằng tháp ấy “không cứng nhắc” như cái cách mà ông trình bày nó trong các công trình trước đây, và chúng ta không cần thiết phải hoàn toàn thỏa mãn tầng này trước khi đi tới tầng tiếp theo.

Nhà Tâm lí học nhận thức Scott Barry Kaufman mà chúng ta sẽ được gặp lại ở chương 5 đã trình bày một góc nhìn mới về tháp nhu cầu của Maslow trong cuốn sách Transcend (Tạm dịch: Biến đổi) của mình rằng:

“Ông ấy đã khẳng định rõ ràng rằng sự phát triển của con người là liên tục, trong đó chúng ta tiến lên hai bước rồi lại lùi về một bước. Cuộc sống không giống như một trò chơi điện tử trong đó bạn lên một cấp độ nào đó thí dụ như sự kết nối, và sau đó một giọng nói từ trên trời cao vọng xuống rằng, Chúc mừng, bạn đã mở khóa được sự tự trọng và từ giờ không phải nghĩ đến nó nữa. Ông ấy đã nói rất rõ rằng cuộc đời không phải như thế”.

Hành trình Phật Giáo đến với tự do được mô tả trong Bát Chánh Đạo nói về hành vi hàng ngày, về chánh niệm, và cái cách mà chúng ta nhìn nhận thế giới.

Đồng nghiệp của tôi là Sylvia Boorstein, người đã dạy thiền định trong suốt nhiều thập kỉ và đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có Pay Attention, for Goodness’ Sake: Practicing the Perfections of the Heart (Tạm dịch: Vì Chúa, hãy chú tâm: Luyện tập sự hoàn hảo trong trái tim), đã từng gọi Bát Chánh Đạo là “tám dấu chấm” để giúp chúng ta thoát khỏi hình ảnh thẳng băng của con đường: “Ồ, tôi đã thực hiện những bước đầu tiên đó từ lâu. Chúng rất căn bản. Giờ thì tôi đã vượt xa ngoài phạm vi đó rồi.”

Thay vào đó, Sylvia chỉ ra những vòng tròn ám chỉ việc chúng ta phải làm mới và đi sâu hơn mỗi lần trở lại. Tôi cho rằng đây là một lời nhắc hữu ích mỗi khi tôi thực hiện một hành trình, một dự án, hay một thương vụ nào đó để có thể nới lỏng gọng kìm từ những mô hình đánh giá “thành công” và “thất bại”.

Thay vì một mô hình tuyến tính chỉ đi theo một hướng duy nhất, tôi đã bắt đầu tưởng tượng hình dáng con đường dẫn tới tự do giống như một chuỗi xoắn kép đan vào nhau giống như một cái thang xoắn. Đó là con đường mang tính hòa nhập và tuần hoàn, với những thành phần đan chéo nhau ở nhiều điểm, đối xứng và tương ứng với nhau.

Có một câu chuyện dân gian kể rằng, một người đi vào rừng để bắt chim. Trong câu chuyện đó, người này không thành công, nhưng việc ấy cũng không phải vô ích. Hóa ra nếu người này không bắt được con chim thì cũng không sao. Bài học ở đây là nhờ đi lang thang trong rừng, người này đã thuộc hết được đường đi lối lại trong đó.

Cũng tương tự vậy, nếu chúng ta đi một cách có ý thức hết mức có thể, dù “thành công” hay “thất bại, mỗi khoảnh khắc đều có ý nghĩa. Tôi đã học được những nguyên tắc đem lại một cuộc sống giàu ý nghĩa từ khi mười tám tuổi. Hành trình đó không phải là một đường thẳng, thế nhưng tôi vẫn không hề nao núng nghi ngờ giá trị của nó.

Sharon Salzberg/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/that-bai-khong-vo-nghia-post1465306.html