Thất bại trong cuộc chiến trên không với Pakistan, sức mạnh quân đội Ấn Độ bị đặt dấu hỏi lớn?

Vụ đụng độ trên không lần đầu tiên với quốc gia láng giềng Nam Á Pakistan trong gần 50 năm hồi tuần trước được coi là một phép thử đối với sức mạnh quân sự Ấn Độ.

Binh sĩ bán quân sự Ấn Độ tại khu vực tranh chấp Kashmir. 68% thiết bị quân sự nước này bị đánh giá quá cũ. Ảnh: AFP

Binh sĩ bán quân sự Ấn Độ tại khu vực tranh chấp Kashmir. 68% thiết bị quân sự nước này bị đánh giá quá cũ. Ảnh: AFP

Ngày 27/2, sau một loạt hành động trả đũa, Không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi 2 máy bay và bắt giữ một phi công. Sau đó 3 ngày, phi công Abhinandan Varthaman đã được trao trả cho nhà chức trách Ấn Độ tại cửa khẩu biên giới Wagah. Viên phi công còn lành lặn nhưng chiếc máy bay MiG-21 của Ấn Độ không được may mắn như vậy.

Trong khi phải đối mặt với nhiều thách thức rõ ràng, việc mất chiếc máy bay chiến đấu vào tuần trước đối với một quốc gia mà quân đội nhận được 1/4 ngân sách nhà nước thể hiện nhiều điều.

Theo ước tính của chính phủ, nếu chiến tranh bùng phát trong tương lai gần, Ấn Độ chỉ có thể cung ứng cho binh sĩ 10 ngày đạn dược. Và 68% trang bị quân đội được đánh giá là quá lạc hậu, bị liệt vào danh sách “đồ cổ”.

“Lực lượng của chúng ta thiếu vũ khí hiện đại, nhưng họ phải triển khai các hoạt động quân sự của thế kỷ 21”, báo New York Times trích lời Gaurav Gogoi – một nhà lập pháp và thành viên Ủy ban Thường trực Quốc hội về Quốc phòng.

Khi được hỏi về nguyên do dẫn đến tình trạng lạc hậu về trang thiết bị quân sự của Ấn Độ, giới quan chức Mỹ phụ trách quan hệ với Ấn Độ bày tỏ thất vọng: một bộ máy quan liêu làm cho việc buôn bán vũ khí và các cuộc huấn luyện chung trở nên cồng kềnh; ngân sách hỗ trợ cho các lực lượng Ấn Độ thiếu hụt; và hải quân, lục quân và không quân nước này có khuynh hướng cạnh tranh hơn là phối hợp với nhau.

Tuy nhiên bỏ qua mọi vấn đề, Mỹ quyết tâm biến Ấn Độ thành đồng minh chủ chốt trong những năm tới để ứng phó với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực này.

Năm ngoái, khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố Lầu Năm Góc đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương sang Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ trong một trật tự thế giới đang thay đổi. “Đây là bộ chỉ huy tác chiến ưu tiên của chúng tôi” cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mattis khẳng định.

Quân đội Mỹ bắt đầu ưu tiên liên minh với Ấn Độ khi mối quan hệ thân thiết với Pakistan “xuống dốc” trong hai thập kỷ qua. Các quan chức Mỹ lo ngại Pakistan đã không hết sức mình trong công tác chống khủng bố, một cáo buộc mà nước này liên tục phủ nhận. Chỉ trong 10 năm, doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Ấn Độ đã tăng từ gần 0 lên 15 tỷ USD.

Hiện Pakistan vẫn đang dựa vào lượng vũ khí rất mạnh mà họ đã mua từ Mỹ. Các quan chức Ấn Độ cho biết Pakistan đã sử dụng một trong những máy bay chiến đấu F-16 mua từ Mỹ để hạ MiG-21 vào tuần trước. Islamabad đã bác bỏ cáo buộc này. Ngày 3/3, Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad cho biết nước này đã mở một cuộc điều tra xem Pakistan có sử dụng sai mục đích phương tiện chiến đấu Mỹ cung cấp hay không. Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ nói: "Chúng tôi đã biết về những thông tin này và đang tìm kiếm thêm thông tin. Chúng tôi coi việc dùng sai mục đích các khí tài quân sự là rất nghiêm trọng".

Xác máy bay Ấn Độ bị Không quân Pakistan bắn rơi. Ảnh: AP

Địa điểm chiến lược “kìm chân” Trung Quốc

Bất chấp những thách thức về quân sự, đối với Mỹ, Ấn Độ vẫn là điểm thu hút chiến lược hàng đầu khi xét về vị trí địa lý và quy mô dân số.

Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, đến năm 2024 được dự tính vượt qua Trung Quốc. Quốc gia này có chung đường biên giới dài với miền Nam và miền Tây Trung Quốc, kiểm soát các vùng lãnh hải quan trọng mà Bắc Kinh cần để phục vụ các tuyến thương mại hàng hải.

“Nhân khẩu lớn mạnh, tiềm năng quân sự lâu dài, địa lý rộng mở khiến Mỹ tin tưởng chờ đợi vào Ấn Độ”, ông Jeff Smith, một nhà nghiên cứu về Nam Á tại tổ chức Heritage Foundation ở Washington đồng thời là tác giả của cuốn sách “Hòa bình Lạnh: Trung Quốc- Ấn Độ đối đầu trong thế kỷ 21”, cho biết.

“Khi Trung Quốc trỗi dậy và Mỹ kiên quyết chống cự để duy trì quyền thống trị của mình, họ sẽ cần một quốc gia có khả năng cân bằng quyền lực trong thế kỷ 21. Quốc gia đó là Ấn Độ. Mỹ biết điều này và sẵn sàng kiên nhẫn”, chuyên gia Smith lý giải.

Ấn Độ tố Pakistan dùng máy bay Mỹ bắn chiến đấu cơ nước mình. Ảnh: Reuters

Đối với quân đội Ấn Độ, ngân sách vẫn là thách thức lớn nhất. Năm 2018, Ấn Độ đã công bố ngân sách quốc phòng khoảng 45 tỷ USD. Để so sánh, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm đó là 175 tỷ USD. Câu hỏi được đặt ra ở đây không phải là Ấn Độ chi bao nhiêu cho quân đội, mà là họ chi tiêu như thế nào.

Phần lớn số tiền trả lương cho 1,2 triệu quân thường trực và lương hưu. Chỉ 14 tỷ USD sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị phần cứng mới.

“Vào thời điểm mà các lực lượng quân sự hiện đại phải đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp khả năng tình báo và kỹ thuật, chúng ta cần phải làm điều tương tự”, ông Keithoi – một nghị sĩ Quốc hội Ấn Độ cho biết.

Việc cắt giảm quân số để quân đội có thể chi tiền mua thiết bị hiện đại cũng không hề đơn giản. Quân đội từ lâu luôn là nơi cung cấp việc làm cho quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng thiếu việc.
Thủ tướng Narendra Modi đã hứa hẹn sẽ cải cách nền kinh tế và mỗi tháng tạo một triệu việc làm cần thiết để đáp ứng lực lượng lao động ngày càng tăng.

Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết điều chính phủ cần làm hiện nay là tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế, sau đó mới kéo theo sức mạnh quân sự tăng cường. Đó là những gì Trung Quốc đã làm - họ tập trung vào phát triển kinh tế và sau đó mới tập trung mở rộng quy mô quân sự hiện tại”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/that-bai-trong-cuoc-chien-tren-khong-voi-pakistan-suc-manh-quan-doi-an-do-bi-dat-dau-hoi-lon-20190305113100068.htm