Thất cầm Mạch Hoạch – đỉnh cao sự nghiệp quân sự của Gia Cát Lượng

Nếu như chiến dịch Bắc Phạt của Gia Cát Lượng sau này không thu được thành công và ông qua đời vì bệnh nặng ở gò Ngũ Trượng trong lần thứ 6 đánh Tào Ngụy thì chiến dịch Nam Trung, hay còn được sử sách gọi là 'Gia Cát Nam Chinh' hoặc 'Thất cầm Mạch Hoạch', chính là đỉnh cao trong sự nghiệp quân sự của Khổng Minh.

Từ khi rời Long Trung phò tá Lưu Bị, Gia Cát Lượng dù đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập Liên minh Tôn – Lưu chống Tào đại thắng Xích Bích, bình định Kinh Châu, thì những công việc ông đảm nhiệm vẫn chủ yếu là một chính khách, đại sứ, lo chuyện kinh tế, pháp luật và hậu cần, ít khi ra trận tác chiến.

Phải đến sau khi Lưu Bị qua đời bởi bệnh nặng từ thất bại Di Lăng, ủy thác việc nước và Hậu chủ Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng, Lượng mới chính thức lo cả chuyện quân sự của nhà Thục. Về mặt đối ngoại, Gia Cát Lượng tái lập lại liên minh Tôn – Lưu để ổn định mạn Đông. Về đối nội, Lượng chấn chỉnh nền chính trị trong nước, ổn định nội bộ, chú trọng khuyến nông, giảm thuế cho dân và phát triển sản xuất.

Ổn định mặt Nam, bước quan trọng của Long Trung đối sách

Đây là những bước quan trọng trong chiến lược Long Trung đối sách, chuẩn bị cho chiến dịch Bắc Phạt, nhằm thống nhất Trung Nguyên của nhà Thục Hán. Nhưng trước chiến dịch Bắc Phạt, Gia Cát Lượng phải thực hiện thành công một bước quan trọng nữa, chính là bình định Nam Trung, dập tắt những mầm mống phản loạn gây hại đến nhà Thục ở phía Nam.

Nếu như chiến dịch Bắc Phạt của Gia Cát Lượng sau này không thu được thành công và ông qua đời vì bệnh nặng ở gò Ngũ Trượng trong lần thứ 6 đánh Tào Ngụy thì chiến dịch Nam Trung, hay còn được sử sách gọi là “Gia Cát Nam Chinh” hoặc “Thất cầm Mạch Hoạch”, chính là đỉnh cao trong sự nghiệp quân sự của Khổng Minh.

Năm 224, Mạch Hoạch, Ung Khải, Cao Định và Chu Bao, thủ lĩnh các nhóm dân tộc thiểu số ở Nam Trung kích động phong trào chống đối nhà Thục Hán, tạo ra làn sóng nổi loạn đông đảo và mạnh mẽ ở các khu vực Hoàng Bình (Quý châu) và Tây Xuyên (Tứ Xuyên).... Sau khi chính sách an ủi vỗ về, giải quyết bằng phương án hòa bình bất thành, Gia Cát Lượng đã quyết định tự mình xuất chinh, đem quân xuống phía Nam thảo phạt.

Đầu năm 225, Gia Cát Lượng sai Mã Trung chỉ huy cánh quân phía Đông, đi từ Nghị Tân xuống phía Đông Nam để đánh Chu Bảo, cử Lý Khôi đang đóng quân tại huyện Bình Di đem binh mã dưới quyền làm cánh quân trung lộ đánh vào quận Ích Châu nhằm vây bọc Ung Khải. Gia Cát Lượng đích thân dẫn quân chủ lực đi theo hướng Tây trước hết đánh Cao Định sau đó sẽ kết hợp với hai cánh quân Đông và Trung để đánh Ung Khải, dập tắt cuộc bạo loạn này.

Cánh quân phía Tây dưới sự chỉ huy của Gia Cát Lượng xuất phát từ An Thượng tiến vào vùng nổi loạn. Cao Định đã cho quân đào hào đắp lũy phòng thủ tại Hán Nguyên, Diêm Nguyên, Chiêu Giác và các nơi khác. Gia Cát Lượng cố ý chần chừ không tiến quân. Khi Cao Định tập trung quân từ các nơi về một chỗ, Gia Cát Lượng mới đánh một trận quyết định, tiêu diệt hết quân nổi loạn, giết chết Cao Định.

Trong lúc đó cánh quân phía Đông cũng đã đánh bại Chu Bao, giải quyết cơ bản cuộc bạo loạn ở hai phía Đông và Tây. Gia Cát Lượng chỉ huy cả bai cánh quân thừa thắng truy kích thọc thẳng vào căn cứ của Ung Khải ở Ích Châu.

Bảy lần bắt, bảy lần tha Mạch Hoạch

Tháng 5, đạo quân của Gia Cát Lượng hành quân qua vùng rừng núi hiểm trở không một dấu chân người, vượt sông Kim Sa đến gần được quân Ích Châu. Trong lúc đó, Ung Khải lại bị thuộc hạ của Cao Định giết chết. Mạnh Hoạch thay thế Ung Khải trở thành thủ lĩnh quân nổi dậy.

Nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung và vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số vùng này với triều đình Thục Hán nên Gia Cát Lượng quyết định đánh vào lòng người của Mạnh Hoạch, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Ông ta hạ lệnh khi đánh nhau với Mạnh Hoạch, quân Thục chỉ được phép bắt sống, không được giết chết hoặc làm họ bị thương.

Trong trận đầu giao tranh, Mạnh Hoạch bị quân Thục bắt sống, Gia Cát Lượng không giết, không làm nhục mà còn bày tiệc khoản đãi, nhằm làm cho Mạnh Hoạch chịu hàng phục. Gia Cát Lượng còn cho quân bày trận thế, dẫn Mạnh Hoạch tham quan rồi hỏi Mạnh Hoạch: "Với một đội quân như thế, liệu ông có đánh thắng được không?”.

Mạnh Hoạch trả lời rằng: “Trước đây tôi chưa biết thực hư về quân đội của ông, chẳng qua tôi thất bại vì mắc phải mưu kế của ông. Bây giờ tôi thấy được trận thế, biết rõ thực tình, bất quá cũng chỉ có vậy thôi. Nếu ông dám thả cho tôi về, đánh lại thì chắc là tôi thắng".

Gia Cát Lượng tha cho Mạnh Hoạch trở về, Mạnh Hoạch tập hợp lại lực lượng giao tranh lần nữa nhưng vẫn bị thua và bị quân Thục bắt sống. Lần này Mạnh Hoạch vẫn chưa chịu phục. Gia Cát Lượng lại thả ông ta ra, cứ như vậy lặp đi lặp lại đến 7 lần.

Đến lần thứ 7, khi Gia Cát Lượng định thả Mạnh Hoạch thì Mạnh Hoạch không chịu về vì ông ta nhận thấy Gia Cát Lượng quả thật là con người phi thường và trong thâm tâm không có ý thù địch với mình. Mạnh Hoạch thành tâm nói với Gia Cát Lượng rằng: "Thiên uy của Thừa tướng như vậy thì người miền Nam không bao giờ làm phản nữa".

Thắng lợi hoàn hảo của Gia Cát Lượng

Sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền Nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng. Mùa thu năm 225, ba cánh quân Đông, Tây và Trung hội quân ở Điền Trì (Vân Nam) ăn mừng thắng lợi của cuộc Nam tiến và giai thoại bảy lần bắt bảy lần thả (Thất cầm Mạch Hoạch) được truyền trụng. Trong chiến dịch này, Gia Cát Lượng với chủ trương "đánh vào lòng người làm thượng sách" nên đã nhanh chóng kết thúc chiến sự ở Nam Trung.

Sau khi dẹp xong phản loạn ở Nam Trung do Mạnh Hoạch cầm đầu các bộ lạc Nam Man, trong vấn đề có cần thiết hay không việc để Hán quan, Hán binh ở lại cai trị dân tộc thiểu số, Gia Cát Lượng đã căn cứ vào tình hình thực tế không để binh lính và quan lại cai trị ở lại cho nên đã thu được hiệu quả tốt đẹp "kỷ cương thiết lập, dân tộc thiểu số và người Hán cùng yên bình".

Bằng chính sách khoan dung vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc, Gia Cát Lượng Nam Chinh không chỉ giúp nhà Thục Hán dẹp yên tất cả các mối đe dọa ở miền Nam mà còn thu phục nhân tâm tuyệt đối các nhóm dân tộc thiểu số vùng Nam Trung.

Chiến dịch Nam Trung, vì thế, không chỉ là đỉnh cao trong sự nghiệp quân sự của Gia Cát Lượng mà còn là thắng lợi lưu danh hậu thế ở nghệ thuật chiến tranh.

Vô Kỵ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/that-cam-mach-hoach-dinh-cao-su-nghiep-quan-su-cua-gia-cat-luong-963804.html