Thắt chặt hơn quan hệ Việt Nam và UNESCO

Đánh trống khai giảng tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, dự lễ kỷ niệm 'kép' với sự đón tiếp nống ấm của người dân địa phương, tận mắt chiêm ngưỡng những di sản thế giới là hình mẫu tại Việt Nam… hẳn là những trải nghiệm đáng quý đối với bà Audrey Azoulay trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO).

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tại trường Ngô Sĩ Liên, ngày 5/9. (Nguồn: Vietnamplus)

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tại trường Ngô Sĩ Liên, ngày 5/9. (Nguồn: Vietnamplus)

Có một lý do khác thôi thúc bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO tới Việt Nam lần này: “vì đây một quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, đồng thời là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển”.

Trong suốt chuyến thăm Việt Nam, bà Audrey Azoulay luôn nở nụ cười rạng rỡ. Đặc biệt, nữ Tổng giám đốc UNESCO còn mặc một chiếc áo dài truyền thống để dự Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) tại Ninh Bình.

Chuyến đi với nhiều điểm đến

Với chủ đề “Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững”, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 cùng sự kiện đón tiếp Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước, giúp quảng bá rộng rãi những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới.

Đây là cơ hội khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện để Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Trong buổi tiếp hôm 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng gặp lại bà Audrey Azoulay từ sau chuyến thăm trụ sở UNESCO vào tháng 11/2021. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước. Thủ tướng chia sẻ cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong xử lý các thách thức chung, không hy sinh phúc lợi xã hội, môi trường vì phát triển kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của UNESCO, chủ động tham gia các hoạt động và đóng góp vào các nỗ lực của tổ chức vì hòa bình, hợp tác và phát triển của quốc gia thành viên.

Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của UNESCO và các nước thành viên trong thời gian qua khi công nhận nghệ thuật xòe Thái và thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mong muốn UNESCO tiếp tục xem xét công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới cũng như các hồ sơ di sản khác của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng giáo dục và việc phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị UNESCO hỗ trợ để Việt Nam cử nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm việc tại các tổ chức đa phương, trong đó có UNESCO.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO, ngày 6/9, tại Ninh Bình. (Ảnh: Trọng Vũ)

Bà Audrey Azoulay chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 và cho rằng, Ninh Bình là hình mẫu về việc bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển kinh tế xã hội, tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và cùng với đó, người dân trở thành chủ thể gìn giữ, bảo vệ và tuyên truyền về di sản cho khách tham quan.

Theo bà, Lễ kỷ niệm là dịp để đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa UNESCO và Việt Nam. Mối quan hệ đối tác này vẫn luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại, minh chứng là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký biên bản ghi nhớ với UNESCO hồi năm 2021.

Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, Việt Nam có đủ năng lực và điều kiện đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, trong đó có các hội nghị và kỳ họp quan trọng của UNESCO thời gian tới. Bà bày tỏ vinh dự tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Bà Audrey Azoulay tin rằng, dù thế giới có thể thay đổi nhưng những tư tưởng, giá trị về văn hóa, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi, là minh chứng cho sức mạnh của một Việt Nam độc lập, thống nhất và hiện đại.

Tiền đề cho những hợp tác mới

Có thể khẳng định, chuyến thăm của Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay vào những ngày đầu tháng Chín đã đánh dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam.

Các sự kiện cùng chuyến thăm của Tổng giám đốc UNESCO diễn ra trong bối cảnh UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tổ chức kỷ niệm 50 năm Công ước, hướng tới Lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence, Italy vào tháng 11 tới.

Ngoài ra, việc được chọn là nơi đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 là cơ hội để Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung khẳng định tinh thần của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 đã và đang được thực thi hiệu quả, trở thành kim chỉ nam cho công tác bảo tồn di sản.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón tiếp Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại buổi tiếp bà Audrey Azoulay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hoan nghênh chuyến thăm đầu tiên của bà tới Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của UNESCO trong việc góp phần duy trì, củng cố hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong suốt 75 năm qua.

Bộ trưởng đặc biệt đánh giá cao hỗ trợ của UNESCO dành cho Việt Nam đối với các lĩnh vực quan trọng như bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản văn hóa, công viên địa chất toàn cầu, các khu dự trữ sinh quyển, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, kết nối với cộng đồng các nhà khoa học quốc tế, vinh danh các danh nhân Việt Nam…

Với Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, chuyến thăm của bà Audrey Azoulay là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO.

Nhân dịp gặp mặt, Thứ trưởng đã cảm ơn sự đồng hành của UNESCO với Việt Nam trong những năm qua, góp phần khơi dậy tiềm năng và huy động các nguồn lực, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO cũng đề nghị UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu số bốn phát triển bền vững (SDG4) của Liên hợp quốc về nền giáo dục chất lượng, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ hoàn thiện các chính sách phát triển văn hóa, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trao đổi làm việc với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. (Ảnh: Trọng Vũ)

Về phần mình, Tổng giám đốc UNESCO cho rằng “mối quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại”. Bà đưa ra khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Bà khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin - truyền thông.

“Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ”

Đây là thông điệp mà Tổng giám đốc UNESCO mang theo đến Việt Nam và cũng chính là thông điệp mà UNESCO sẽ bảo vệ vào cuối tháng này tại Mexico tại Hội nghị Mondiacult 2022 do UNESCO và Mexico tổ chức, với sự tham dự của 140 quốc gia thành viên.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO, bà Audrey Azoulay nói: “Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam và như mô hình mẫu mực của Tràng An”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Tổng giám đốc UNESCO và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh di sản tại Ninh Bình. (Nguồn: Báo Ninh Bình)

Trong các cuộc gặp gỡ, Tổng giám đốc UNESCO bày tỏ ấn tượng về tầm sâu của nền văn hóa Việt, khẳng định Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của UNESCO và mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin - truyền thông của UNESCO cũng như tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới.

Theo bà Audrey Azoulay, trong 35 năm qua, Việt Nam đã có tới tám di sản đã được ghi danh là Di sản Thế giới. Chỉ riêng năm năm qua, UNESCO đã dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản. Đây cũng lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với ba di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc UNESCO cũng đề cập thách thức đầu tiên là phải dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa - vấn đề có tính quyết định tới việc gìn giữ địa cầu. Thử thách lớn khác phải vượt qua là biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tặng sách cho bà Audrey Azoulay tại Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Hòa)

Tiếp xúc với báo chí, Tổng giám đốc UNESCO nhắn nhủ: “Tất cả những di sản văn hóa và thiên nhiên mà chúng ta được hưởng thụ đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ nó. Điểm mạnh giữa hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam là giáo dục và tôi muốn chúng ta phải đưa mạnh hơn nội dung bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên, khí hậu và môi trường vào giáo dục trẻ em, để thế hệ trẻ em hôm nay sẽ trở thành thế hệ bảo vệ, gìn giữ di sản tốt hơn chúng ta”.

Về việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Audrey Azoulay cho rằng: “Đối với UNESCO, di sản lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tầm quan trọng của giáo dục. Tôi thấy rằng tiếp tục tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếp tục tôn vinh di sản văn hóa của Người cùng với mong muốn có một nền giáo dục có chất lượng và cho tất cả mọi người”.

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/that-chat-hon-quan-he-viet-nam-va-unesco-197380.html