Thắt chặt kỷ luật hành chính, trật tự đô thị ở quận Tây Hồ

Thời gian qua, các cấp ủy đảng quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Quận ủy coi trọng thực hiện hai khâu đột phá là tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và cải thiện chất lượng quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng.

Đổi mới phong cách cán bộ

Bác Hồ Văn Quang đã có 20 năm làm Bí thư chi bộ 4, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, và chứng kiến những thay đổi lớn lao trên quê hương mình. Từ một vùng chuyên canh nông nghiệp và làng nghề, nay phường Phú Thượng trở thành một phần của khu đô thị Ciputra. Làng cổ chỉ còn chưa đến một phần ba tổng diện tích đất tự nhiên, bám vào phần bãi bồi ven sông Hồng. Số dân của phường hiện nay là hơn 21 nghìn người, nhưng tiếp tục tăng nhanh vì hàng trăm nhà chung cư cao tầng đang đua nhau mọc lên. Công việc của cấp ủy, chính quyền ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo bác Quang, mấy năm gần đây, cán bộ tiếp dân có năng lực, phẩm chất tốt và trách nhiệm cao. Công dân đến phường làm việc lấy kết quả nhanh hơn trước. Đội ngũ công chức tận tình, chu đáo. Sáu tháng đầu năm 2017, phường tiếp nhận và xử lý hơn 1.300 hồ sơ hành chính, không có khiếu kiện liên quan đến hành chính.

Một số đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư tỏ ra đồng tình cao với cung cách làm việc rõ ràng, xử lý vụ việc quyết đoán của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ của phường. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy phường dự sinh hoạt đầy đủ với 14 chi bộ khu dân cư. Nội dung sinh hoạt chi bộ đã bám sát các vấn đề của khu dân cư, hộ gia đình. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ đạt 90 đến 95%. Kỳ đại hội chi bộ vừa qua, 104 ý kiến phát biểu của đảng viên tại các đại hội chi bộ đều tâm huyết, thẳng thắn, thiết thực trong quyết tâm xây dựng phường, quận vững mạnh. Hằng tháng, UBND phường cử các thành viên ủy ban dự sinh hoạt khu phố để nắm bắt thông tin, ý kiến của người dân. Nhờ bảo đảm công khai, dân chủ, hầu hết những mâu thuẫn được các tổ hòa giải ở khu dân cư hòa giải thành công.

Hưởng ứng Năm kỷ cương hành chính của TP Hà Nội, Quận ủy Tây Hồ tăng cường đối thoại giữa các đồng chí Thường trực Quận ủy với đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Vừa qua, đồng chí Bí thư Quận ủy - Chủ tịch HĐND và đồng chí Chủ tịch UBND quận đã đối thoại với người dân tại các phường Nhật Tân và Tứ Liên, nhiều thông tin, kiến nghị của người dân được tiếp thu và xử lý sớm. Đoàn kiểm tra công vụ của quận tiến hành 10 đợt kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 17 đơn vị, chấn chỉnh và nhắc nhở kịp thời những hạn chế, yếu kém.

Nhờ kiểm tra thường xuyên, số cán bộ, công chức đi làm muộn giảm dần. Cán bộ, công chức thực hiện nghiêm việc đeo thẻ trong quá trình thực thi công vụ. Cấp quận và phường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hồ sơ, thu nhận ý kiến từ người dân. Sáu tháng đầu năm, toàn quận tiếp 650 lượt công dân, trong đó lãnh đạo quận và phường trực tiếp làm việc với 107 lượt công dân, giải quyết 83% số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Công tác đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý có chuyển biến tích cực, lấy ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành khi đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Trần Anh Tuấn cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay. Đó là cấp cơ sở chưa sâu sát, đề cao trách nhiệm trong đánh giá cán bộ, ảnh hưởng đến việc phân tích chất lượng, bố trí, sắp xếp cán bộ của Quận ủy.

Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, lãnh đạo quận đã hạ chức vụ bốn trường hợp do năng lực điều hành kém, để xảy ra sai phạm ở cơ quan, đơn vị. Trong đó, Giám đốc Trung tâm Thể dục, thể thao được điều chuyển sang làm Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Phó Giám đốc đơn vị này xuống làm cán bộ do để cán bộ dưới quyền sai phạm; Chủ tịch UBND phường Quảng An được điều về làm Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội vì để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đô thị...

Gánh nặng quản lý đất đai và trật tự xây dựng

Sáu tháng đầu năm 2017, quận Tây Hồ thành lập hai tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cấp phường, kiểm tra hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu trái phép tại khu vực sông Hồng. UBND các phường và đội trật tự xây dựng quận tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến đất đai và xây dựng. UBND quận đã xử phạt vi phạm hành chính hai trường hợp xây dựng sai phép tại phường Xuân La. Phường Phú Thượng ra quyết định đình chỉ thi công một trường hợp, phường Yên Phụ tổ chức cưỡng chế, dỡ bỏ một công trình vi phạm.

Thanh tra xây dựng quận cùng với các phường xử lý dỡ bỏ nhiều lều lán, nhà tạm tại các phường Nhật Tân, Thụy Khuê, Quảng An, Yên Phụ, Tứ Liên... Để bảo vệ môi trường hồ Tây, quận đã tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi trên hồ Tây, lắp đặt hàng rào, lan-can ở phố Nguyễn Đình Thi. Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án được tổ chức chặt chẽ, không có khiếu kiện phức tạp.

Tìm hiểu thực tế công tác quản lý đất đai tại phường Phú Thượng, chúng tôi thấy phường có nhiều cách làm hiệu quả. UBND phường nêu tên các hộ vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh và đưa lên cổng thông tin điện tử của phường. Cấp ủy các chi bộ phát huy vai trò của các tổ dân vận trong việc vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo dỡ công trình sai phạm, giải quyết tranh chấp đất đai. Năm 2016, phường đã cho chụp ảnh tất cả các thửa đất xen kẹt, các khu đất công có thể bị lấn chiếm, lưu vào đĩa DVD và chuyển cho các khu dân cư theo dõi, giám sát tình hình. Khi mang đĩa DVD đối chiếu với thực trạng đất đai, các hộ dân đều thấy rõ vi phạm của mình và chấp nhận khắc phục. Mô hình này rất cần được nhân rộng, vì vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, vừa phòng ngừa vụ lợi cá nhân.

Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng vẫn diễn biến rất phức tạp, luôn là vấn đề “nóng” trong chương trình làm việc của cấp ủy các cấp quận Tây Hồ. Nhiều trường hợp vi phạm từ lâu vẫn chưa giải quyết được. Đầu năm 2017 đến nay, Quận ủy, UBND quận tập trung giải quyết hàng loạt kiến nghị của người dân, thông tin trên báo chí liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại các phường Quảng An, Xuân La, Yên Phụ... Các khu “đất vàng” của quận Tây Hồ luôn bị các đối tượng nhăm nhe lấn chiếm. Việc xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm lối đi, khoảng không diễn ra thường xuyên, đòi hỏi công tác quản lý phải chặt chẽ, kiên quyết và liên tục. Một nguyên nhân khách quan gây khó khăn cho quận và các phường là quy hoạch khu bãi giữa, bãi bồi ven sông chưa được TP Hà Nội phê duyệt, tình trạng khai thác cát, sử dụng đất rất khó quản lý. Trong số các đối tượng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công, không ít đối tượng cộm cán, cần sự vào cuộc của TP Hà Nội và cơ quan chức năng ở Trung ương.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện hai khâu đột phá trong thời gian tới, Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các cấp ủy đảng của quận Tây Hồ sẽ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quận sẽ kiên quyết xử lý, thay thế người đứng đầu năng lực kém, uy tín thấp theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34064102-that-chat-ky-luat-hanh-chinh-trat-tu-do-thi-o-quan-tay-ho.html