Thắt chặt quan hệ truyền thống Việt - Nga

Với mối quan hệ tốt đẹp cũng như sự giúp đỡ Việt Nam về nhiều mặt, đất nước Liên Xô (nay là Liên bang Nga) luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng các thế hệ người Việt, nhất là với những người đã từng có thời gian học tập, gắn bó với xứ sở Bạch Dương.

Các đại biểu tham quan ảnh trưng bày về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tại lễ kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tổ chức ở Văn miếu Trấn Biên ngày 4-11.

Gần 30 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về đất nước và tình cảm trân quý của người dân Liên Xô năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của TS.Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai.

* Một thời để nhớ

Ông Phạm Thư, Phó chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga cho biết, từ nhiều năm nay Việt Nam đã có hàng chục ngàn cán bộ, sinh viên sang học tập tại Nga. Hầu hết, cán bộ, sinh viên sau khi được đào tạo tại Nga trở về đã phát huy hết khả năng để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

TS.Đặng Mạnh Trung kể, năm 1985 khi đang là cán bộ Đoàn ông được cử đi học tại Nga. Thời gian đầu ở vùng đất mới, ông cũng như bao du học sinh Việt Nam khác đều rất bỡ ngỡ. Và cũng chính sự lạ lẫm ấy càng khiến ông thấm thía được tình cảm mà người dân Nga khi ấy dành cho mình.

Thấu hiểu được những khó khăn mà du học sinh gặp phải, nhà trường đã bố trí một sinh viên Nga ở chung với một nhóm du học sinh Việt Nam để thuận tiện trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày. Trong ký ức của ông, những người bạn Nga rất nhiệt tình, chỉ bảo từng li từng tí từ cách sử dụng các đồ vật trong nhà cho đến những việc như đi chợ mua nhu yếu phẩm, cách giữ ấm cơ thể khi ra ngoài vào mùa đông…

Không chỉ ấn tượng với sự thân thiện, hiếu khách của người dân Nga mà trong suốt 5 năm học tập tại đây (từ 1985-1990), TS.Đặng Mạnh Trung còn ấn tượng với các chương trình học tập ngoại khóa dành cho sinh viên cũng như du học sinh Việt Nam. Tham gia các chương trình ngoại khóa, ông cũng như các du học sinh Việt Nam học tập tại Nga lúc bấy giờ có cơ hội tìm hiểu về truyền thống lịch sử của dân tộc Nga, về các chiến sĩ cộng sản Nga đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng kháng chiến, về văn hóa Nga…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

4 năm học tập, gắn bó với xứ sở Bạch Dương, với ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Sơn (TP.Biên Hòa) đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất thời trai trẻ. Nhớ lại những năm tháng học tập ở Nga, ông Minh cho hay mặc dù trước khi đi, ông và những du học sinh khác đã được đào tạo tiếng Nga 1 năm nhưng khi sang nước bạn vẫn tiếp tục học 1 năm dự bị. Du học sinh Việt Nam thời bấy giờ qua Nga, mức học bổng 150 ruble/tháng là khá cao, trong khi giá các loại nhu yếu phẩm khá rẻ nên sinh viên Việt Nam hầu như không phải lo nghĩ nhiều về chuyện cơm áo mà tất cả đều tập trung thời gian và sức lực để học tập. Cường độ học tập căng thẳng nhưng được sự hỗ trợ tận tình của giảng viên cũng như sinh viên Nga, mọi khó khăn trong học tập dần qua.

Điều làm ông Minh nhớ hơn cả là thời tiết nước Nga. Vào mùa thu, nếu đi dạo dưới hàng bạch dương, dưới chân sẽ là những thảm lá vàng xào xạc, ngước lên những tán cây ngả màu vàng rực rỡ giữa bầu trời xanh trong. “Mùa thu là thời điểm đẹp nhất trong năm nên chúng tôi - những cựu sinh viên Việt Nam học tại Trường đại học Công đoàn Liên Xô ngày ấy đang dự định trở lại nước Nga để ôn lại kỷ niệm trong thời sinh viên” - ông Minh bộc bạch.

* Phát huy mối quan hệ đặc biệt

Chia sẻ về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Liên bang Nga, TS.Đặng Mạnh Trung cho biết, mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (ngày nay) được hình thành từ năm 1950. Từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Liên Xô luôn dành cho Việt Nam những tình cảm đặc biệt.

Công trình thủy điện Trị An do Liên Xô giúp Đồng Nai xây dựng. Ảnh: Tư liệu

Điển hình là trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô. Điều đặc biệt ở chỗ, không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà các chuyên gia Liên Xô còn tình nguyện sang giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do Liên Xô giúp xây dựng hiện đã và đang gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam, cho đến nay vẫn đang phát huy hiệu quả.

Tại Đồng Nai, minh chứng lịch sử cho mối quan hệ đặc biệt này chính là công trình Nhà máy thủy điện Trị An (tọa lạc tại huyện Vĩnh Cửu) được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1991.

Bên cạnh đó, từ khi thiết lập quan hệ với Việt Nam, Liên Xô còn hỗ trợ đào tạo cán bộ, sinh viên đã và đang trở thành những cán bộ chủ chốt, những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục trở về đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Vừa tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga vào tháng 3-2018, anh Lâm Tấn Lộc trở về làm việc tại Phân xưởng sửa chữa điện tự động Công ty thủy điện Trị An (tiền thân là Nhà máy thủy điện Trị An) với mong muốn cống hiến sức trẻ cho quê hương. Anh Lâm Tấn Lộc chia sẻ, từ khi còn nhỏ anh luôn được cha mẹ định hướng sau này lớn lên phải làm điều gì đó giúp ích cho mảnh đất mà anh sinh ra. Mới nhập học tại Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh được 2 tháng, anh đạt được học bổng đi Nga học ngành điện hạt nhân. Sau 7 năm học tập, anh trở về quê hương với tấm bằng thạc sĩ và vào làm việc tại Công ty thủy điện Trị An.

Theo TS.Đặng Mạnh Trung, để phát huy mối quan hệ đặc biệt này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga các cấp đã ra đời. Từ khi thành lập đến nay, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai với vai trò của mình đã tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền đến hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt này.

Tại lễ kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, đồng chí Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại dẫn tới sự ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người và làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới. Sự kiện này đã mở ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, mở ra thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201811/ky-niem-101-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-7-11-1917-7-11-2018-that-chat-quan-he-truyen-thong-viet-nga-2918535/