Thật là bầu bạn, thật là anh em

Cả Indonesia và Việt Nam cùng đang tưng bừng kỷ niệm chung một mốc thời gian 78 năm: Indonesia kỷ niệm 78 năm Quốc khánh và cách mạng độc lập dân tộc, Việt Nam kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám. Những nét tương đồng từ quá khứ tới hiện tại là cơ sở vững chãi để hai nước 'vừa là bầu bạn, vừa là anh em' mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác trên tất cả các kênh, các cấp, các lĩnh vực...

Mối quan hệ khởi nguồn từ sự tương đồng

Những ngày này, thành phố Jakarta được trang hoàng nhiều cờ, ruy băng mang hai màu đỏ-trắng đặc trưng của Quốc kỳ đất nước vạn đảo, những tấm pa nô, băng rôn rực rỡ, nổi bật trên các con phố, mặt tiền của những tòa cao ốc hay các tòa nhà công sở. Cả đất nước Indonesia đang hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh 17-8. Đây là ngày nhà lãnh đạo Sukarno đọc bản tuyên ngôn độc lập, mở đầu cho phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập của nhân dân Indonesia. Ở Việt Nam, ngày 19-8-1945, cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng thành công vang dội, tạo tiền đề quan trọng để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945.

Có nhiều nét tương đồng trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam và Indonesia nhanh chóng thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều quan điểm. Vì thế, ngay từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến của Indonesia ở khu vực và quốc tế. Năm 1955, Indonesia là nước Đông Nam Á đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chỉ sau hơn 3 năm, tháng 3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Indonesia và sau đó 3 tháng, Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam. Đón Tổng thống Sukarno tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát mối quan hệ giữa hai nước bằng câu thơ: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em” và khẳng định: “Tình hữu nghị giữa hai dân tộc muôn thu vững bền”. Từ tương đồng đến đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno đã đặt nền móng vững chãi cho quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Trên nền móng vững chãi đó, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Indonesia liên tục được đắp bồi qua các thế hệ. Năm 2003, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và 10 năm sau đó nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Từ đó đến nay, Việt Nam vẫn đang là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại khu vực Đông Nam Á.

Đường phố Jakarta được trang hoàng chào mừng 78 năm Quốc khánh Indonesia.

Đối tác tự nhiên

Tới thăm chính thức Indonesia và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 44 (AIPA-44) đúng vào những ngày tháng 8 lịch sử của cả hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc Indonesia ở Thủ đô Jakarta.

Đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc Indonesia nằm trong Nghĩa trang Kalibata, nơi an nghỉ của hơn 7.000 quân nhân Indonesia đã anh dũng hy sinh trong cuộc cách mạng dân tộc của Indonesia để giải phóng đất nước. Nghĩa trang này được xây dựng từ năm 1953, theo lệnh của Tổng thống Sukarno với câu nói rất nổi tiếng của ông: “Một quốc gia vĩ đại là một quốc gia trân quý công ơn các vị anh hùng”. Quan điểm ấy rất gần gũi với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đã trở thành phong trào rộng khắp của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam để tri ân những người đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Đài tưởng niệm gồm 5 cột lớn biểu trưng cho sự trường tồn của đất nước Indonesia. Bên trong cây cột ở chính giữa đài tưởng niệm là ngôi mộ đặc biệt của một anh hùng vô danh. Trên thân cột gắn tấm bia cỡ lớn với dòng chữ: “Tên tuổi anh không ai biết, nhưng phẩm cách của anh vang khắp đất mẹ, anh đã hy sinh thân mình vì nền độc lập của nước nhà và dân tộc”. Nổi bật phía trên tấm bia này là hình ảnh chim Garuda Pancasila-quốc huy của Indonesia với 17 chiếc lông mỗi bên cánh, 8 chiếc lông đuôi, 19 chiếc lông gốc đuôi và 45 chiếc lông cổ, ghép lại thành đúng hàng số 17-8-1945, ngày Indonesia tuyên bố độc lập.

Hình ảnh chim Garuda Pancasila cùng với hình ảnh chim Lạc của Việt Nam đã được một họa sĩ người Việt Nam lấy làm ý tưởng sáng tác nên biểu trưng của năm kỷ niệm 65 năm quan hệ Việt Nam-Indonesia vào năm 2020. Đây cũng là hình ảnh được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới trong bài phát biểu rất quan trọng tại Diễn đàn Chính sách đối ngoại do Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) tổ chức để nhấn mạnh tới những nét tương đồng lớn về văn hóa, khát vọng chinh phục bầu trời độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam và nhân dân Indonesia.

Tại diễn đàn, trả lời trực tiếp câu hỏi của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của Anh hùng dân tộc Việt Nam Nguyễn Trãi: "Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân" và khẳng định: “Việt Nam xác định dân là gốc trong mọi chính sách phát triển. Cương lĩnh phát triển của Việt Nam đã xác định mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng tôi đặt “dân giàu” trước “nước mạnh” bởi dân có giàu thì nước mới mạnh. Phương cách của Việt Nam là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Dù mục tiêu của chúng ta có khó khăn như thế nào nhưng nếu có sự tham gia đông đảo của người dân thì sẽ thành công. Người dân trong cộng đồng ASEAN của chúng ta cũng phải được thụ hưởng mọi thành quả phát triển thì thành quả đó mới thực sự ý nghĩa". Chủ tịch Quốc hội dứt lời, hàng trăm đại biểu Indonesia vỗ tay nhiệt liệt. Dường như, phần trao đổi của Chủ tịch Quốc hội đã khiến họ thực sự tâm đắc.

Cũng tại diễn đàn này và Diễn đàn Chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Indonesia-Việt Nam diễn ra ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khái quát lại nhiều điểm đồng thuận mà hai bên đạt được trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như hàng loạt cuộc tiếp của Chủ tịch Quốc hội với các doanh nghiệp lớn hai nước đang đầu tư vào thị trường của nhau. Đặc biệt nhất trong số đó là quan điểm: “Việt Nam và Indonesia là đối tác tự nhiên”. Có lẽ, đây là sự khái quát hợp lý nhất có thể giải thích cho mối quan hệ giữa hai nước trong suốt 68 năm qua.

Chung tay xây dựng ASEAN thịnh vượng, bền vững

Những từ khóa “ổn định”, “tăng trưởng”, “thịnh vượng” đã xuất hiện trong chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN và Đại hội đồng AIPA-44 do Indonesia là nước chủ nhà, với sự ủng hộ rất nhiệt thành từ Việt Nam và Quốc hội Việt Nam. Đó là những minh chứng rõ nét cho sự đồng điệu cả trong tư duy và hành động thực tế của hai nước.

Hành trang mang theo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới AIPA-44 chính là tình hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ, sự tham gia có trách nhiệm, sự ủng hộ hết mình vì một khu vực ASEAN “là mỏ neo tăng trưởng của thế giới”, vì hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng và vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp trong khu vực. “Là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước ASEAN và Nghị viện thành viên AIPA nỗ lực xây dựng một ASEAN-một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng, “biến nguy thành cơ”, hướng tới Cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA-44.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang trở thành xu thế không thể đảo ngược trên phạm vi toàn cầu, ASEAN không có cách nào khác là phải chủ động thích ứng để nắm bắt thời cơ phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó, những biến động nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới, thêm phần tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những chính sách bảo đảm an ninh lương thực của các nước xuất khẩu lương thực lớn đã đẩy giá lương thực trên thị trường quốc tế đồng loạt tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.

Do vậy, 3 dự thảo nghị quyết do Việt Nam đề xuất (gồm: Chuyển đổi số do phụ nữ dẫn dắt và vì phụ nữ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững; thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp) nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ các đoàn.

“ Tục ngữ Indonesia có câu “Cây vững chắc thì chẳng sợ bão dông”. Dù phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” nhưng chúng ta tự hào vì ASEAN luôn đứng vững và chưa bao giờ có vị thế tốt đẹp như ngày nay. Càng qua nhiều “bão dông”, chúng ta càng thấy sáng lên một tinh thần ASEAN tự lực-tự cường, gắn kết và chủ động thích ứng, đoàn kết-thống nhất và sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất AIPA-44.

Chắc chắn, với sự chung tay, đoàn kết, trách nhiệm của Việt Nam và Indonesia cùng các nước trong khu vực, ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên thành một cộng đồng thịnh vượng vững bền!

Bài, ảnh: CHIẾN THẮNG (từ Jakarta, Indonesia)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/that-la-bau-ban-that-la-anh-em-737749