Thất vọng với đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt

Vị kiến trúc sư gắn bó với Đà Lạt tỏ ra thất vọng và nuối tiếc vì đồ án quy hoạch vừa công bố có nhiều điểm xa lạ với Đà Lạt.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa công bố Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt.

Giới chuyên môn đánh giá, đây là đồ án sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo của khu trung tâm Hòa Bình với hơn 30ha, chia làm 5 phân khu; phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (gần cầu Ông Đạo).

Với 5 phân khu, người dân và giới chuyên môn quan tâm nhiều nhất đến phân khu 2 và 3. Phân khu 2 là Khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37ha, theo đồ án, sẽ trở thành khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ, giải trí phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.

Theo thiết kế, rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng.

Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng cũ, có diện tích 4,43ha, theo đồ án, sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn; mở thêm đường giao thông bao quanh Dinh.

Trao đổi với Đất Việt, KTS Trần Công Hòa (Hội KTS Lâm Đồng) bày tỏ sự thất vọng cũng như nuối tiếc khi đồ án quy hoạch vừa công bố có nhiều điểm xa lạ, chưa phù hợp với Đà Lạt.

Chia sẻ quan điểm xã hội phải phát triển, nhà đầu tư vào giúp tỉnh cải tạo, chỉnh trang các công trình cho đẹp hơn, nhưng KTS Trần Công Hòa cho rằng bản quy hoạch chi tiết chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và chưa chú ý đến lịch sử phát triển của đô thị.

Rạp Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ để xây dựng trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Zing

Rạp Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ để xây dựng trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Zing

Dẫn chứng điều này, ông Hòa cho biết, Khu Hòa Bình là điểm mốc của đô thị Đà Lạt, ở đâu cũng thấy, đặc biệt là các trục đường hướng vào khu trung tâm. Khi tính đập bỏ khu Hòa Bình, dường như người làm quy hoạch đã không biết hoặc không để ý đến điểm đó.

"Theo đồ án, diện tích của khu Hòa Bình sẽ được sử dụng làm hai công trình cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính, làm khu phức hợp đa chức năng. Nhìn khối công trình kiến trúc ấy rất lạ lẫm!

Đã vậy, phương án đưa ra lại mâu thuẫn về mặt ý tưởng, trước sau không như một: tính giải tỏa nhà dân ở cuối đường Phan Bội Châu nhằm tạo thông thoáng, nhưng lại thay khu Hòa Bình bằng một khối đồ sộ lạ lẫm, cản tầm nhìn phía trước.

Việc tính toán tổ chức cảnh quan sinh hoạt chưa hợp lý. Xưa nay, khi chưa có dự án, cộng đồng ở đây vẫn sinh hoạt thường xuyên: có phố đi bộ cuối tuần, mặt tiền của khu Hòa Bình là sân khấu cơ động, ít tốn tiền và không gian trước đó là quảng trường "rất Đà Lạt" bởi những bậc cấp, những dãy phố, khoảng trống xung quanh để mọi người đứng rộng rãi...

Đó là ký ức sinh hoạt chính trị, văn nghệ, xã hội ở khu vực này, nhưng đồ án lại không đề cập gì đến. Nếu đồ án đưa ra giải pháp đập bỏ khu Hòa Bình thì cũng nên làm điểm nhấn đô thị mới để định hướng các trục đường đổ về.

Quan trọng là trong các đồ án quy hoạch chung xưa nay của Đà Lạt sau ngày thống nhất và các chuyên gia đều lưu ý cố gắng giảm tải cho khu trung tâm, trong đó có cả giảm tải hạ tầng", KTS Trần Công Hòa phân tích.

Đối với phân khu 3 (khu vực đồi Dinh hay còn gọi dinh tỉnh trưởng - PV), dự kiến nơi đây sẽ xây dựng công trình cao 10 tầng, nhưng KTS Trần Công Hòa không tán thành.

Theo ông, đồi Dinh là mảng xanh duy nhất còn sót lại của khu trung tâm. Ban đầu đó là tư dinh của một vị quan đầu tỉnh, sau này làm các công trình công cộng (cung thiếu nhi, nhà triển lãm), đó là bước rất hay.

Tuy nhiên, đồ án đề xuất xây dựng công trình 10 tầng khiến ông băn khoăn: "Chỗ nghỉ của Đà Lạt không hề thiếu, những lúc cao điểm nhất cơ bản vẫn đáp ứng được và đang triển khai giãn ra các khu vực xung quanh với các hình thức lưu trú đa dạng.

Bản thân khu trung tâm đã nhồi nhét nhiều và yêu cầu đặt ra là phải giảm tải cho khu trung tâm, giờ đồ án quy hoạch tính di dời nguyên khối dinh tỉnh trưởng đến một góc nào đó, thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi Giáo, Ấn Độ hoàn toàn xa lạ với Đà Lạt.

Vấn đề là khối biệt thự đó không đáng kể, quan trọng nhất là vị trí của nó mà điểm này dường như đang bị "đánh lận".

Tỉnh có thể bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng để xây một biệt thự đẹp hơn, cũng theo kiểu cổ, nhưng sợ nhất là người ta thay đổi chức năng của mảnh đất lịch sử đó - nơi có vị thế rất đẹp, bao quát được cả toàn vùng".

Từ những phân tích ở trên, KTS Trần Công Hòa kết luận: khách sạn xây đâu cũng được, nhưng những điểm cao như ở trên phải là các công trình quan trọng.

"Phải quý trọng những giá trị vô hình, không thể phớt lờ tất cả để xây nên những cụm khách sạn, khối kiến trúc xa lạ, không phù hợp với hiện trạng Đà Lạt", ông nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/that-vong-voi-do-an-quy-hoach-trung-tam-da-lat-3376486/