Thâu tóm cảng biển Israel: Con đường tơ lụa trên biển

Cảng biển bên bờ Địa Trung Hải của Israel bị Trung Quốc thâu tóm khiến thế giới giật mình trước con đường tơ lụa trên biển.

Trung Quốc vươn tới Địa Trung Hải

Địa Trung Hải là vùng biển có vị trí địa chính trị nhạy cảm bậc nhất trong các vùng biển thế giới. Nơi đây đang chứng kiến cuộc giao tranh của Syria thân Nga với phe nổi dậy thân Mỹ.

Nơi đây có hạm đội Biển Đen – hạm đội mạnh nhất vào lúc này của Nga đồn trú. Nếu ai phong tỏa được Địa Trung Hải thì có thể làm chủ cả Trung Đông.

Trong âm thầm, Trung Quốc đã đặt được một chân của mình vào vùng biển đầy biến động địa chính trị này. Và họ đặt chân ngay tại Israel – đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ tại Địa Trung Hải.

Cảng Haifa – cảng biển có vị trí chiến lược quan trọng của Israel và Địa Trung Hải

Theo tờ Times of Israel, Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) đã gần hoàn tất việc thâu tóm cảng nước sâu chiến lược Haifa trong thời gian tối thiểu 25 năm. Cụ thể, Tập đoàn của Trung Quốc sẽ khánh thành các hạng mục xây mới, nâng cấp cảng Haifa vào năm 2021 và hợp đồng vận hành cảng sẽ kéo dài trong 25 năm.

Còn theo tờ Haaretz, một cảng nước sâu khác ở thành phố Ashdod – phía nam Israel cũng vừa nhận được sự đầu tư từ một tập đoàn khác của Trung Quốc.

Từ đó để thấy, chiến lược con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc đã gần như hoàn thành khi họ đặt được chân đến vùng biển Địa Trung Hải – vốn được cho là sân chơi riêng của Mỹ với nhiều căn cứ quân sự của nước này và đồng minh, đồng thời Nga chỉ có thể hiện diện quân sự tại đây thông qua hạm đội Biển Đen.

Trải dài từ Biển Đông với các cảng biển thâu tóm của một số quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Malaysia, cho đến Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, châu Phi, nay là Địa Trung Hải, bàn tay của Trung Quốc đã thâu tóm hàng loạt cảng biển với mô hình
mua đứt để trừ nợ từ chính phủ của các quốc gia có cảng, hoặc hợp tác thành khu vực đặc khu kinh tế với thời hạn dài nhất lên tới 99 năm.

Trong những năm qua, Trung Quốc không ngừng nỗ lực “nối dài” cánh tay vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng để thực hiện kế hoạch “đường tơ lụa trên biển”. Ngay tại khu vực Địa Trung Hải, người Trung Quốc đã mua được cảng Pireé của Hy Lạp, có phần lớn cổ phần trong kênh Suez của Ai Cập và cảng Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy, các tập đoàn của Trung Quốc đã kiểm soát cửa ngõ và các vị trí chiến lược trọng yếu của vùng biển Địa Trung Hải này.

Những hệ lụy khi cầm tiền của Trung Quốc

Khoan bàn tới các vấn đề địa chính trị, việc một chính phủ hợp tác với một tập đoàn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, với trường hợp của cảng Haifa sẽ là một phạm trù hoàn toàn khác, ẩn chứa những hệ lụy khôn lường với Israel và đồng minh Mỹ.

Tại một hội nghị về an ninh hàng hải Đông Địa Trung Hải hồi tháng 8/2018, ông Shaul Chorev, cựu đô đốc hải quân Israel đã đề xuất quốc gia Do Thái này phải có một cơ chế đặc biệt để theo sát các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại đây. Haifa là một cảng chiến lược, và việc Trung Quốc hiện diện tại đây tới 25 năm có thể làm “giới hạn hoặc ngăn cản” việc hợp tác quân sự với đồng minh Mỹ, vốn đang có vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị ở Trung Đông.

Các chuyên gia của Israel cũng đã lên tiếng chỉ trích chính phủ quá ngây thơ khi cấp phép hoạt động cho các tập đoàn Trung Quốc. Thường các dự án này bề ngoài chỉ đơn thuần là hợp tác thương mại song phương, nhưng ẩn chứa bên trong rất nhiều mục tiêu chính trị và quân sự, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Các chuyên gia cũng lo ngại hợp đồng thương mại ở cảng Haifa sẽ mở đường cho Trung Quốc hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải. Đồng thời, thương vụ này nhiều khả năng sẽ tác động xấu tới mối quan hệ giữa Israel và Mỹ.

Cựu tướng quân đội Israel Gary Roughead cảnh báo: “Tôi cho rằng việc để Trung Quốc mang hệ thống quản lý thông tin của họ vào cảng Haifa không khác gì việc họ lắp đặt hệ thống trinh sát điện tử ngay sát nách liên minh Mỹ - Israel. Chưa kể đến vấn đề an ninh mạng và rò rỉ thông tin. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Israel và đồng minh. Chưa kể các vấn đề địa chính trị tại vùng biển này sẽ bị xáo trộn”.

Khác với những quốc gia kém phát triển tại Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương buộc phải bán cảng biển cho Trung Quốc để gán nợ, Israel đang đứng trước một âm mưu thôn tính kiểu mới.

Tờ La Croix đưa tin, người Trung Quốc đã có cổ phần trong hơn 100 công ty lớn tại Israel. Vốn của các công ty Trung Quốc chiếm hơn 20% vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của Israel. Ban đầu là mua cổ phần, dần dần các tập đoàn Trung Quốc tiến tới thôn tính, làm chủ nhiều công ty danh tiếng của người Do Thái, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông phẩm và chế tạo vũ khí. Việc phụ thuộc vào nguồn tiền Trung Quốc khiến cho Israel bị chảy máu công nghệ trầm trọng và nền kinh tế bị thao túng đến bị động.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thau-tom-cang-bien-israel-con-duong-to-lua-tren-bien-3365843/